Chủ nhật, 10/11/2024, 06:00[GMT+7]

Chăm sóc tôm nước lợ sau mưa lớn

Thứ 4, 19/07/2017 | 11:07:13
1,620 lượt xem
Đến nay, tại hai huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải đã thả nuôi 2.883,55 ha tôm nước lợ thuộc diện tích vùng đầm trong và ngoài đê quốc gia, trong đó có 2.698,95 ha nuôi tôm sú và 184,6 ha nuôi tôm thẻ.

Vận hành máy quạt nước tại đầm nuôi huyện Tiền Hải.

Từ ngày 18/7 đến sáng ngày 19/7 trên địa bàn tỉnh có mưa, mưa vừa với lượng phổ biến từ 10-40 mm. Dự báo từ ngày 19 - 22/7 Thái Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 50 -100mm. Chi cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi tôm, khi có mưa lớn, các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, ôxy hòa tan, pH ... thay đổi đột ngột, cần tăng cường vận hành máy quạt nước, máy nén khí để đảo nước tránh hiện tượng phân tầng gây thiếu ôxy tầng đáy; sau mưa kiểm tra các chỉ số môi trường để bổ sung chế phẩm, khoáng chất điều chỉnh ổn định môi trường tránh gây sốc cho tôm.

Phan Anh


Một số biện pháp chăm sóc, quản lý tôm khi mưa lớn 

Điều chỉnh pH: Nếu pH thấp dưới 7,5 bón vôi nông nghiệp CaCO3, lượng 1-2 kg/100 m3 hòa nước tạt đều trong ao; nếu pH > 8,6 thay 20-30% lượng nước trong ao, kết hợp sử dụng mật đường 0,3 kg/100 m3 và vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Điều chỉnh độ kiềm: Nếu kiềm thấp dưới 80 mg/l, sử dụng vôi Dolomite 1,5-2 kg/100 m3/lần vào ban đêm (lúc 20-22 giờ) đến khi đạt yêu cầu; nếu cao trên 160 mg/l, sử dụng EDTA vào ban đêm, lượng  0,2-0,3 kg/100 m3 hòa nước tạt đều xuống ao, sau 01 ngày sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện chất lượng nước.


Điều chỉnh màu nước: Nếu tảo phát triển mạnh, nước có màu xanh đậm, pH trong ngày dao động trên 0,5 đơn vị tiến hành thay 30% nước, sau đó dùng 0,2-0,3 kg đường cát/100 m3 hòa nước tạt xuống ao lúc 9-10 giờ sáng, sục khí liên tục 2 giờ; nếu tảo kém phát triển, độ trong cao (>40cm), sử dụng hỗn hợp mật đường, cám gạo và bột đậu nành theo tỷ lệ 3:1:3 ủ trong 12 giờ, tạt xuống ao liên tục trong 3 ngày lúc 9-10 giờ sáng, lượng dùng 0,2-0,3 kg/100m3 .

Nguồn: Chi cục Thủy sản