Thứ 7, 23/11/2024, 10:39[GMT+7]

Sự cố tàu đóng theo Nghị định số 67: Cần sự đánh giá khách quan, toàn diện

Thứ 2, 24/07/2017 | 09:34:14
1,466 lượt xem
Thời gian gần đây có tình trạng một số tàu cá đóng theo Nghị định số 67 tại các tỉnh, thành phố không bảo đảm chất lượng, xảy ra sự cố, hư hỏng. Trong quá trình phóng viên Báo Thái Bình tìm hiểu nguyên nhân tàu cá bị hư hỏng thì có trường hợp chủ tàu “nói gà” còn cơ sở đóng tàu lại “nói vịt”. Vụ sự cố tàu của ông Nguyễn Duy Muộn, phường Quảng Cư (thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là một ví dụ.

Đóng tàu tại Công ty Cổ phần Đại Dương. Ảnh: Trần Tuấn.

Theo như phản ánh của ông Muộn với cơ quan chức năng và một số cơ quan báo chí thì ông ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đại Dương (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đóng  tàu cá vỏ thép với tổng kinh phí 17,7 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thanh Hóa cho vay ưu đãi 95% tổng giá trị đầu tư. Tàu vỏ thép của ông Muộn mang số hiệu TH 93968-TS làm nghề lưới chụp có chiều dài 30,8 mét, rộng 7,8 mét, cao 3,9 mét, lắp máy Yanmar, tổng công suất máy chính 829CV. Tháng 8/2016, ông Muộn đi chuyến biển đầu tiên nhưng đang khai thác ngoài khơi  thì vỡ hệ thống tời dẫn tới mất mành chụp và lưới đánh bắt hải sản nên tàu quay về bờ. Sau chuyến biển đó, ông Muộn trở về khắc phục sự cố và tiếp tục ra khơi đánh bắt. Cũng theo phản ánh của ông Muộn, 8 chuyến ra khơi tiếp theo tàu đều gặp các sự cố như gãy neo, hỏng máy phát điện, xi lanh, trục bánh lái thủy lực,  hệ thống dây điện, gãy giá đỡ (cầu ganh)...

Tàu vỏ thép của ông Nguyễn Duy Muộn đóng tại Công ty Cổ phần Đại Dương.

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Quang Dương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Dương (đơn vị đóng tàu) cho biết những phản ánh của ông Muộn là không đúng. Theo ông Dương, thực hiện Nghị định số 67, Công ty Cổ phần Đại Dương đã đóng 12 tàu cá vỏ thép cho ngư dân ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình (riêng Thanh Hóa 5 tàu). Đến nay, tất cả tàu đều vận hành tốt, duy nhất tàu của ông Muộn gặp một số vấn đề. Tàu của ông Muộn được bàn giao ngày 25/8/2016, do Trung tâm Đăng kiểm tàu cá kiểm tra và cấp giấy đăng kiểm, thời gian bảo hành là 6 tháng (đến ngày 21/2/2017). Việc thi công đóng tàu đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các chủ tàu và cơ quan đăng kiểm theo đúng bản vẽ thiết kế cùng dự toán được duyệt cũng như theo ý kiến sửa đổi của chủ tàu.

Lý do ông Dương khẳng định ông Muộn phản ánh sai sự thật vì thực tế trong thời gian bảo hành, Công ty Cổ phần Đại Dương đã sửa chữa, bảo dưỡng máy phát điện, sửa tời, thay bóng đèn, sửa và thay thế một số thiết bị cần thiết 6 lần (trong thời gian bảo hành tàu) với tổng số tiền đã chuyển cho ông Muộn là hơn 336 triệu đồng.

Biên bản nghiệm thu tàu ông Muộn có xác nhận của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và chữ ký của ông Muộn.

Gần đây nhất, ngày 22/6 (khi tàu đã hết bảo hành 4 tháng), ông Muộn tiếp tục báo với Công ty tàu bị sự cố và đề nghị hỗ trợ tiền sửa chữa 2 máy phát điện hết khoảng 100 triệu đồng, Công ty thống nhất hỗ trợ 50 triệu đồng nhưng ông Muộn không đồng ý và yêu cầu thay toàn bộ dây điện, toàn bộ chấn lưu trên tàu. Mặc dù đã hết thời gian bảo hành, nhưng Công ty vẫn đồng ý hỗ trợ sửa chữa máy phát điện, thay các bóng điện và chấn lưu bị hỏng. Tuy nhiên, ông Muộn lại không đồng ý, mà yêu cầu Công ty phải hỗ trợ bằng tiền là 300 triệu đồng. Đặc biệt, theo ông Dương, hư hỏng chính của tàu là phần máy phát và hệ thống điện thì cả 2 hạng mục này đều do ông Muộn tự đi mua và ký hợp đồng. Cụ thể, khi ông Muộn yêu cầu Công ty tạo điều kiện thay máy có công suất phù hợp, Công ty đã đồng ý cho ông Muộn trực tiếp vào Sài Gòn làm việc với nhà cung cấp (về giá cả và chất lượng). Số tiền chênh lệch của hạng mục này ông Muộn phải trả cho Công ty là 350 triệu đồng, nhưng đến nay Công ty chưa nhận được. Về phần điện, chủ tàu làm việc trực tiếp với nhà thầu phụ, có giấy tờ nghiệm thu, bàn giao giữa nhà thầu phụ và chủ tàu, được đăng kiểm nghiệm thu, nay đã hết thời gian bảo hành 4 tháng, chủ tàu lại đổ hết lỗi cho Công ty là không đúng.

Đến ngày 5/7, tại cuộc họp do UBND thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) chủ trì, ông Muộn lại đòi Công ty đền bù 800 triệu đồng. Đại diện của Công ty khẳng định luôn đồng hành và hỗ trợ các chủ tàu kể cả khi hết thời gian bảo hành trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết, hợp tác và cùng nhau phát triển nhưng không thể chấp nhận đòi hỏi vô lý của ông Muộn. Ngoài ra, do tuổi đã cao lại chỉ làm nghề thợ lặn do vậy ông Muộn cần phải cố gắng, học hỏi để vận hành, khai thác hiệu quả con tàu.

Có thể thấy rõ, sự cố xảy ra đối với tàu cá đóng theo Nghị định số 67 là có thật. Tuy nhiên, khi xác định nguyên nhân thì chủ tàu và cơ sở đóng tàu lại đổ lỗi cho nhau. Thiết nghĩ, để xác định rõ bản chất vụ việc cần có sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng một cách khách quan, toàn diện.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu cá vỏ thép bị rỉ sét, hư hỏng, kém chất lượng, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 8/2017; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ trên.


Phan Lợi


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày