Đi tìm thương hiệu gạo Thái Bình (Kỳ 2)
Kỳ 2: Đi đầu về năng suất lúa - xây dựng thương hiệu gạo còn gian nan
Không chỉ là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc dẫn đầu về năng suất lúa những năm kháng chiến chống Mỹ, mà từ đó đến nay Thái Bình vẫn là một trong những tỉnh có năng suất lúa cao nhất cả nước, bình quân đạt trên 13 tấn/ha/năm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) hàng năm đã nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, cung ứng cho các tỉnh, thành phố trong cả nước trên 22.000 tấn giống cây trồng các loại, trong đó chủ lực là lúa giống. Có năng suất cao, chất lượng giống lúa tốt song trên thực tế những năm qua thương hiệu gạo của Thái Bình vẫn loay hoay đi tìm lời giải.
Khẳng định về năng suất
Mặc dù trong những năm gần đây diện tích gieo cấy lúa của tỉnh giảm (còn khoảng 160.000ha/năm) do chuyển sang trồng cây màu, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và mục đích sử dụng đất khác. Cùng với giảm diện tích gieo cấy, tỉnh đã cơ cấu lại bộ giống, chú trọng mở rộng diện tích lúa có chất lượng gạo ngon để tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích song sản lượng thóc luôn giữ ổn định trên 1 triệu tấn/năm. Qua đây có thể khẳng định năng suất lúa của Thái Bình không ngừng tăng cao, hiện nay năng suất gần như đạt kịch trần, bình quân trên 13 tấn/ha/năm, là một trong những tỉnh có năng suất lúa cao nhất cả nước.
Để đạt kết quả trên, những năm qua tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các khâu sản xuất lúa như đầu tư cứng hóa hệ thống thủy lợi, chọn tạo, khảo nghiệm các giống lúa cho năng suất, chất lượng cao, các biện pháp gieo cấy mới, dự tính, dự báo sâu bệnh sớm, tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp… Thực tế cho thấy, những giống lúa năng suất cao luôn được tỉnh cơ cấu trên 76% so với tổng diện tích gieo cấy như BC15, TBR-1, TBR225… Ngoài ra, các biện pháp gieo cấy mới được áp dụng rộng rãi cả ở vụ xuân và vụ mùa góp phần tăng năng suất, giảm chi phí, tăng giá trị thu nhập từ 10 - 20% như gieo thẳng, gieo mạ bằng khay, cấy bằng máy, áp dụng tiến bộ canh tác cải tiến SRI.
Công ty TNHH Hưng Cúc liên kết sản xuất với các địa phương để xây dựng thương hiệu gạo.
Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho biết: Vũ Thư gieo cấy khoảng 16.000ha/năm, năng suất luôn ổn định trên 13 tấn/ha/năm. Để đạt năng suất trên, hàng năm và trước các mùa vụ, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn từ khâu xây dựng kế hoạch sản xuất, quy vùng gieo cấy tập trung cùng giống, cùng trà, thực hiện nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống cây trồng… Đặc biệt, huyện đã có những bước đột phá trong sản xuất như 100% diện tích được gieo cấy bằng các giống lúa ngắn ngày, gieo mạ non trên nền đất cứng, gieo thẳng được mở rộng tối đa diện tích ở vụ xuân nên đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Bà Phạm Thị Bé, xã Đông Động (Đông Hưng) cho biết: Các vụ trong năm, gia đình tôi gieo cấy 6 sào lúa. Cùng với sử dụng các giống lúa mới để tăng năng suất, chất lượng tôi còn áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa do các ngành chuyên môn hướng dẫn, tập huấn như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; thực hiện phòng, trừ sâu bệnh theo đúng khuyến cáo của ngành Nông nghiệp nên năng suất, chất lượng lúa tăng cao, giảm chi phí đầu tư.
Cùng với chú trọng các giải pháp tăng năng suất lúa, tỉnh, các địa phương và bà con nông dân đã và đang thực hiện gieo cấy lúa hàng hóa, tạo ra sản phẩm có chất lượng gạo ngon. Trước khi bước vào chuẩn bị sản xuất lúa vụ xuân, vụ mùa, tỉnh đều xây dựng đề án và họp bàn các biện pháp sản xuất, trong đó cơ cấu giống là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu được quán triệt sâu sắc để các địa phương thực hiện. Theo đó, vụ xuân các giống lúa chất lượng cao chiếm từ 35 - 40% so với tổng diện tích gieo cấy như Bắc thơm 7, RVT, N97, các giống lúa Nhật; vụ mùa nhóm giống lúa chất lượng cao từ 25 - 30% so với tổng diện tích gieo cấy như các giống lúa nếp, lúa Nhật, RVT, ĐS1...
Nông dân xã Thái Phúc (Thái Thụy) tích tụ ruộng đất gieo cấy lúa hàng hóa.
Gian nan xây dựng thương hiệu gạo
Đến nay có thể khẳng định năng suất lúa của tỉnh đã ổn định ở ngưỡng cao nhất cả nước; lúa chất lượng cao ngày càng được mở rộng diện tích, có sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp; gạo Thái Bình được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, nghịch lý là năng suất cao, chất lượng gạo ngon song những năm qua thương hiệu gạo của tỉnh vẫn chưa có trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó một số địa phương khác không phải đất lúa nhưng thương hiệu gạo của họ lại vươn xa, như nói đến gạo tám thơm là người tiêu dùng nói đến gạo của Hải Hậu (Nam Định)…
Vậy đâu là nguyên nhân gạo của Thái Bình chưa có thương hiệu? Câu hỏi này có lẽ không chỉ một ngành nào đó trả lời được mà cần câu trả lời từ các hộ nông dân, doanh nghiệp, tư thương đến các cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực có liên quan. Bởi lẽ, ruộng đồng manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu đầu sào/hộ dân nên bà con nông dân chưa có sự nhất quán về gieo cấy cùng giống, cùng trà, cùng biện pháp chăm sóc… nên sản phẩm làm ra mang tính tự cung tự cấp. Đồng thời, các hộ nông dân cấy nhiều giống khác nhau dẫn đến lẫn lộn thóc, chưa tạo ra được sản phẩm cùng loại số lượng lớn để làm hàng hóa cung ứng cho thị trường một loại gạo chất lượng cao cụ thể. Hạt thóc do nông dân làm ra chủ yếu vẫn qua tay “hàng xáo”, chưa đến trực tiếp doanh nghiệp chế biến gạo thành phẩm có thương hiệu. Vì vậy, thóc của nhiều hộ nông dân được thương lái trộn lẫn với nhau đem xay xát và cung ứng cho thị trường nên chất lượng gạo chưa xác định cụ thể của giống nào, không có sự nổi bật đặc trưng của giống lúa chất lượng cao…
Bà Nguyễn Thị Thu, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) cho biết: Nông dân chúng tôi thu nhập chủ yếu dựa vào đồng ruộng. Mặc dù có thỏa thuận với các công ty chế biến gạo nhưng khi thu hoạch thương lái trả giá cao hơn, đồng thời không đòi hỏi khắt khe về chất lượng nên chúng tôi bán cho thương lái. Vẫn biết như vậy là không bền vững trong sản xuất lúa nhưng các doanh nghiệp cũng cần xem xét, điều chỉnh giá và hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất, có như vậy chất lượng thóc mới bảo đảm.
Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Những năm gần đây xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan song ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp tham mưu với tỉnh và phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương chỉ đạo quyết liệt chủ trương, giải pháp, lịch thời vụ, chủ động ứng phó với dạng hình thời tiết bất thuận nên năng suất lúa đạt ổn định trên 13 tấn/ha/năm. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, bảo vệ thực vật, cơ giới hóa được tuyên truyền, khuyến cáo nông dân áp dụng vào sản xuất; nhiều mô hình giống lúa, phương thức gieo cấy mới… đã được khẳng định trong thực tiễn sản xuất giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế. Ông Ngô Xuân Tám, Chủ tịch UBND xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương Là một trong những xã trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của huyện Kiến Xương, những năm qua, Vũ Thắng đã có nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, nhất là cây lúa. Xã đã tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo nông dân trong xã thực hiện gieo cấy và chăm sóc mùa vụ theo đúng khung thời vụ nên năng suất lúa giành thắng lợi. HTX DVNN xã đã thực hiện tốt các khâu dịch vụ như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống lúa, điều tiết nước, kỹ thuật gieo cấy… Do đó, Vũ Thắng luôn là một trong những xã có năng suất, chất lượng lúa cao nhất huyện Kiến Xương. Ông Trần Minh Bằng, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng Thái Bình có nhiều giống lúa có tiềm năng để lựa chọn xây dựng thương hiệu gạo như Bắc thơm, T10, TBR225, BC15… Tuy nhiên sẽ rất khó xây dựng được thương hiệu gạo do vẫn còn tồn tại nhiều giống lúa như hiện nay. Đa phần các hộ nông dân chưa chú ý tới việc xây dựng thương hiệu gạo, do đó chưa tham gia liên kết nhóm hộ, vẫn sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai người đó làm nên chưa tạo ra vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ mạnh và bền vững. Ngoài ra, rất khó để bảo đảm yêu cầu về sản xuất gạo sạch, có chất lượng cao khi chưa kiểm soát được chất lượng nguồn nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở chế biến thóc, gạo… |
(còn nữa)
Nguyên Bình - Lưu Ngần
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh