Chủ nhật, 24/11/2024, 06:41[GMT+7]

Quỳnh Phụ chăm sóc cây màu vụ đông

Thứ 6, 22/12/2017 | 14:34:30
835 lượt xem
Vụ đông năm nay, huyện Quỳnh Phụ gieo trồng 6.505ha cây màu, trong đó ngô 1.500ha, dưa bí 1.100ha, khoai tây 1.020ha, còn lại là rau màu các loại. Đến nay, 2.000ha đã cho thu hoạch, chủ yếu là ớt, ngô và rau màu.

Chăm sóc, bảo vệ cây màu vụ đông có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Những ngày qua, dù thời tiết rét đậm nhưng nông dân vẫn tích cực thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh, tình hình phát triển của cây trồng. 

Trên cánh đồng xã An Hiệp, dù trời đã sẩm tối nhưng bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Nguyên Xá vẫn cặm cụi làm cỏ cho những luống đỗ trên đất chuyên màu. Bà Hoa cho hay: Trước đây chúng tôi trồng rau theo kinh nghiệm là chính, chủ yếu để phục vụ bữa ăn trong gia đình nên thu hoạch chẳng được là bao. Bây giờ trồng rau để bán, cây rau trở thành nguồn thu nhập quan trọng của gia đình nên chúng tôi phải học hỏi kỹ thuật để trồng, chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh, vì thế rau vụ đông thường cho năng suất cao, dễ tiêu thụ. Vụ đông này gia đình tôi trồng 4 sào bí xanh, ớt, đỗ leo, khoai tây và rau các loại. Được cán bộ nông nghiệp tập huấn, tôi áp dụng biện pháp bón phân đúng và cân đối nên cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh.

Đến thời điểm này, nông dân An Hiệp đang tập trung thu hoạch ngô đông bán cho Viện Nghiên cứu ngô (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Từ 5 năm nay, HTX liên kết với Viện Nghiên cứu ngô sản xuất ngô giống với diện tích 10ha ở vụ đông, 20ha ở vụ xuân. Tính ra mỗi sào sản xuất ngô giống thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng, cao hơn nhiều so với sản xuất thông thường, lại có đầu ra ổn định nên người dân rất phấn khởi. Đây chính là hướng đi trong thời gian tới của địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo nhận xét của nhiều nông dân, từ đầu vụ đông đến nay thời tiết tương đối thuận lợi cho rau màu sinh trưởng, phát triển, đặc biệt là khoai tây. Tuy nhiên, thời tiết những ngày đầu tháng 12 có mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù, độ ẩm không khí cao, nhiệt độ thấp, không có nắng… là điều kiện thuận lợi cho bệnh sương mai, héo xanh trên khoai tây, cà chua, ớt phát triển, gây hại. Tình hình sâu bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và gây hại gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nông sản nếu không được phòng, trừ kịp thời. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết từ nay đến cuối vụ có nhiều bất thường, ảnh hưởng đến cây trồng vụ đông.

Đến nay, 1.020ha khoai tây của Quỳnh Phụ đang trong giai đoạn phát triển thân lá, ra tia củ. Một số đối tượng bệnh hại xuất hiện rải rác khiến 4,62ha khoai tây ở 16 xã trong huyện có hiện tượng xoăn lá, cây phát triển chậm. Để khoai tây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, ngoài tuân thủ quy trình kỹ thuật trong chăm bón, nông dân cần chú ý đến nước tưới bởi trong 60 - 70 ngày đầu khoai rất cần nước theo hướng đủ ẩm, đặc biệt trong thời tiết hanh khô kéo dài như hiện nay. Không được để ruộng quá khô hạn ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển thân lá và củ, đồng thời không được để nước đọng trong rãnh quá lâu gây thối củ. Giai đoạn này khoai dễ nhiễm bệnh mốc sương, héo xanh vi khuẩn, vì vậy bà con cần thăm đồng thường xuyên, sử dụng các loại thuốc theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp để phòng, trừ hiệu quả. Riêng với bệnh héo xanh vi khuẩn, khi ruộng bị bệnh cần dừng tưới nước, nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh, rắc vôi bột vào gốc cây bị bệnh để tránh bệnh lây lan.

Chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ đông có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Do đó, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo nông dân bón phân cân đối; chăm sóc đúng yêu cầu kỹ thuật đối với từng loại cây, từng giai đoạn sinh trưởng của cây; áp dụng biện pháp bón phân vùi vào đất trước và sau trồng để giảm công chăm sóc, phân bón được giữ trong luống đất giúp cây hấp thụ tốt hơn, hạn chế được tỷ lệ rau bị chết do nấm và vi khuẩn xâm nhập gây hại.

Khuyến cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Quỳnh Phụ trong phòng, trừ sâu bệnh cho cây màu vụ đông
  • Đối với bệnh sương mai, cần tỉa bỏ những lá già, lá bị bệnh đem tiêu hủy và phun phòng bệnh bằng các loại thuốc như Ridomil 68WP, Daconil 75WP, Boocđô 1%, Zineb 80WP… để phòng, trừ.
  • Đối với bệnh vi rút xoăn lùn: cây bị bệnh lá xoăn lại, cây còi cọc, thấp lùn thì tiến hành nhổ bỏ cả cây và củ bị bệnh, phun trừ rầy, rệp môi giới truyền bệnh bằng các loại thuốc như Oshin 100SL, Pentalty 40WP… Việc phun thuốc phải được tiến hành trước khi vun gốc và bón phân.

Lưu Ngần


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày