Chủ nhật, 24/11/2024, 06:55[GMT+7]

An Đồng: Không phải khoai tây phát triển kém

Thứ 7, 23/12/2017 | 16:45:43
1,398 lượt xem
Trước thông tin khoai tây trồng ở xã An Đồng và một số xã của huyện Quỳnh Phụ không phát triển là do nguồn giống hỗ trợ kém chất lượng. Phóng viên Báo Thái Bình đã tìm hiểu để làm rõ nội dung sự việc.

Thời tiết từ đầu vụ đến nay thuận lợi cho khoai tây sinh trưởng và phát triển.

Để đối chứng, phóng viên đã tìm đến mảnh vườn của gia đình ông Nguyễn Phú Túy, thôn Đào Xá, xã An Đồng (người đã trả lời phỏng vấn các báo cho rằng tình trạng khoai không phát triển là do nguồn giống hỗ trợ của tỉnh kém chất lượng) khi hai vợ chồng ông Túy đang làm đất, vun luống cho khoai tây. 

Ông Túy cho biết: Mảnh vườn của gia đình rộng 6,5 sào được tôi bơm cát, cải tạo từ ruộng chua trũng cách đây 2 năm, luân canh trồng ngô, khoai để nâng cao thu nhập. Đầu tháng 11/2017, tôi nhận 200kg khoai tây giống hỗ trợ của tỉnh về để trồng trên vườn, tuy nhiên, do vườn đang trồng ngô, đang kỳ thu hoạch nên tôi chưa trồng khoai ngay. Mãi đến cuối tháng 11, sau khi thu hoạch ngô xong, phun thuốc trừ cỏ tôi mới trồng khoai.

Theo ông Nguyễn Văn Tính, Giám đốc HTX DVNN xã An Đồng: Khoai tây chỉ có một ngọn chứ không bao giờ phân nhánh. Mặc dù củ khoai giống nảy mầm tốt, tỷ lệ 100% nhưng do trồng muộn hơn so với thời vụ nhiều ngày, khoai trồng trên cát, mầm khoai vươn khỏi mặt đất gặp nắng hanh kết hợp với rét, cát lại nóng nên bị cháy. Vì ngọn khoai bị thui chột nên phân nhánh hai bên, dẫn tới sinh trưởng chậm. Một trong những nguyên nhân khoai kém phát triển có thể do ông Túy sử dụng thuốc trừ cỏ sau khi thu hoạch ngô, sau đó trồng khoai luôn. Không thể có chuyện do nguồn giống kém chất lượng bởi 6/7 thôn trong xã cùng nhận khoai giống hỗ trợ của tỉnh không xảy ra tình trạng này, riêng chỉ có gia đình ông Túy trồng trên cát mới bị. 

Để chứng minh rõ hơn, ông Tính đưa chúng tôi đi thăm một số cánh đồng trồng khoai tây. 

Có mặt tại cánh đồng thôn Tây Lễ Văn, nếu không được ông Tính giới thiệu chúng tôi cũng không thể nhận ra đâu là ruộng trồng khoai do tỉnh hỗ trợ đâu là ruộng trồng khoai do người dân tự để giống. 

Quan sát, thực tế chúng tôi ghi nhận những luống khoai trồng bằng giống hỗ trợ của tỉnh trên đồng về hình dáng, chiều cao cây không có sự khác biệt, thậm chí có thân mập hơn những luống khoai trồng bằng giống người dân tự để. Bới thử 2 gốc khoai trên đồng để đối chứng, cả hai giống khoai đều hứa hẹn một vụ cho năng suất cao. 

Không chỉ có xã An Đồng, nông dân xã An Hiệp cũng rất phấn khởi với chủ trương hỗ trợ sản xuất vụ đông của UBND tỉnh. 

Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Nguyên Xá 1, xã An Hiệp chia sẻ: Vụ đông này gia đình tôi nhận 40kg khoai giống hỗ trợ của tỉnh, nếu mua phải mất từ 400.000 - 1.000.000 đồng tiền giống. Trồng từ đầu tháng 11, đến nay khoai của gia đình tôi phát triển tốt, đã có củ bằng quả trứng gà. 

Nông dân xã An Đồng chăm sóc khoai tây vụ đông.

Theo số liệu của ngành Nông nghiệp, tổng diện tích khoai tây toàn huyện Quỳnh Phụ là 1.020ha, trong đó 389ha trồng bằng giống do tỉnh hỗ trợ. Hiện tại khoai đang trong giai đoạn phát triển thân, lá, ra tia củ. Một số bệnh thường gặp trên khoai như: héo xanh, xoăn lá, xoăn ngọn xuất hiện với mật độ rải rác; 4,62ha khoai ở 16 xã có triệu chứng xoăn lá, cây phát triển chậm. Trong đó, ghi nhận bệnh ở cả giống hỗ trợ của tỉnh (1,8ha) và giống của dân tự để (2,82ha), diện tích nhiễm nhẹ dưới 5% là 4,42ha, nhiễm nặng trên 10% là 0,2ha ở xã An Đồng.

Thực hiện chính sách hỗ trợ khoai tây giống vụ đông của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đấu thầu và lựa chọn được 7 đơn vị cung ứng. Theo đó, hợp đồng mua bán quy định rõ yêu cầu về chất lượng hàng hóa dựa trên quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng củ giống khoai tây. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân công nhiệm vụ và giao trách nhiệm đối với các thành viên trong ban mua sắm, cung ứng giống cây màu hỗ trợ khôi phục sản xuất vụ đông năm 2017 và vụ xuân năm 2018. Với mỗi xe hàng giao nhận cần phải kiểm tra xác suất một số bao hàng để xác định tỷ lệ sản phẩm không đạt yêu cầu. Trong quá trình tiếp nhận đã có 7 xe hàng với khối lượng 70 tấn không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật phải đổi trả. Ngành Nông nghiệp cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương trong công tác bảo quản khoai giống sau tiếp nhận trong trường hợp chưa trồng được ngay. 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, ngành Nông nghiệp đã cử cán bộ xuống trực tiếp kiểm tra, toàn bộ diện tích khoai tây trồng bằng giống hỗ trợ của tỉnh trên địa bàn xã An Đồng đều sinh trưởng, phát triển bình thường, duy chỉ có 5 sào khoai tây trồng trên cát của gia đình ông Nguyễn Phú Túy, thôn Đào Xá có hiện tượng cây chậm phát triển. 

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, có 2 nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên. Thứ nhất, do gia đình trồng muộn hơn so với lịch thời vụ từ 7 - 10 ngày, khi trồng gặp thời tiết rét, khô hanh vì vậy cây sun lại, kém phát triển. Thứ hai, do trồng trên đất cát mới được bơm từ sông lên, độ chua và tỷ lệ phèn nặng trong cát tương đối nhiều, do vậy trong giai đoạn đầu mới trồng cây phát triển chậm. Ngành Nông nghiệp đã cử cán bộ xuống hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục, đến nay cây trồng phát triển bình thường so với tuổi cây. 

Như vậy nếu chỉ nhìn vào cây khoai tây nhà ông Túy thôn Đào Xá mà đã vội đánh giá khoai tây ở An Đồng và một số xã của huyện Quỳnh Phụ phát triển kém là thiếu khách quan.

"Là 1 trong 7 đơn vị cung ứng khoai tây giống theo chủ trương hỗ trợ sản xuất vụ đông của tỉnh, Công ty chúng tôi cung cấp 500 tấn khoai tây giống (giống khoai Solara của Đức) cho các xã, thị trấn của huyện Quỳnh Phụ và một số diện tích của huyện Vũ Thư. Tôi khẳng định khoai giống do Công ty cung cấp hoàn toàn bình thường, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Đối với các xã trên địa bàn huyện, Công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nếu địa phương có nhu cầu để sơ chế, xuất khẩu vì thế không có chuyện nguồn giống phẩm cấp kém. Công ty đã phối hợp với ngành Nông nghiệp trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn gia đình ông Túy khắc phục".
(Ông Tăng Văn Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thương mại dịch vụ Thanh Nhàn, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ)



Ông Nguyễn Văn Tính, Giám đốc HTX DVNN xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ

Xã An Đồng tiếp nhận trên 7 tấn khoai tây giống hỗ trợ của tỉnh. Tuy nhiên, do người dân trồng với mật độ dày hơn so với hướng dẫn nên diện tích trồng thực tế được trên 3ha. Những thông tin báo chí đã đưa thời gian qua về khoai tây của xã là hoàn toàn sai sự thật. Thời tiết từ đầu vụ đến nay thuận lợi cho khoai tây sinh trưởng và phát triển. Cùng với việc hướng dẫn bà con chăm bón, vun luống, HTX thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để có khuyến cáo kịp thời đến nông dân các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh. Nếu thời tiết trong những ngày tới tiếp tục duy trì lạnh, nắng hanh thì khoai tây năm nay sẽ được mùa.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX DVNN xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ

Xã An Hiệp được nhận 11 tấn khoai tây giống hỗ trợ của tỉnh, trồng trên cánh đồng lớn địa phương đã quy hoạch. Ngay sau khi nhận giống, HTX hướng dẫn bà con xử lý nấm bệnh ngay từ củ giống, sau khi trồng phun phòng nấm qua đất trước khi tiến hành vun luống lần 1, nhờ đó khoai phát triển tốt, đến nay chiều cao cây đạt 30 - 40cm, qua kiểm tra thấy củ con khá sai. Việc đưa thông tin về khoai không phát triển, không cho thu hoạch do giống kém là hoàn toàn không có căn cứ, gây hoang mang đối với người dân.


Ông Nguyễn Phú Túy, thôn Đào Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ

Tuy được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai tây nhưng do trồng muộn, lại chưa có nhiều kinh nghiệm trồng khoai trên cát nên khoai tây của gia đình tôi kém phát triển. So sánh giữa khoai tây trồng trên cát và khoai trồng trên ruộng, cùng thời điểm xuống giống, cùng nguồn giống hỗ trợ của tỉnh nhưng khoai của gia đình tôi lại kém phát triển vì vậy không thể kết luận do nguồn giống kém như bài báo đã nêu.


Phan Anh - Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày