Chủ nhật, 24/11/2024, 12:20[GMT+7]

Làm giàu từ cấy thuê

Thứ 4, 28/02/2018 | 09:20:35
1,325 lượt xem
Trong khi nhiều gia đình ở một số xã bỏ ruộng vì sản xuất kém hiệu quả thì vợ chồng chị Phạm Thị Thủy, thôn Nam Điền, xã Đông Động, huyện Đông Hưng không những không bỏ ruộng mà còn mạnh dạn thuê lại, đầu tư máy cấy lúa chất lượng cao và cấy thuê, mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng.

Cấy thuê và thuê ruộng để cấy là cách làm giàu của vợ chồng chị Thủy.

Vào vụ cấy, muốn gặp vợ chồng chị Thủy phải ra tận cánh đồng 2 xã Đông Động và Đông Các (Đông Hưng). Bởi từ sáng sớm đến tối mịt, anh Vinh - chồng chị Thủy một mình điều khiển máy cấy vừa cấy thuê cho bà con nông dân vừa tranh thủ cấy ruộng của gia đình còn chị Thủy tất bật với việc chuyển mạ khay đến các đầu bờ, bảo đảm đặt đúng ruộng cho chồng cấy. 

Chị Thủy tâm sự: Trước đây kinh tế của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán nên dù hai vợ chồng “đầu tắt mặt tối” suốt ngày vẫn không đủ trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. 

Thấy một số người trong xã ra tỉnh ngoài làm ăn hoặc vào làm trong các khu, cụm công nghiệp có thu nhập ổn định, anh chị cũng đã tính đến phương án ly nông, ly hương để kiếm việc làm nhằm nâng cao đời sống. Song vốn là con nhà nông, quý đất như vàng nên anh chị quyết định ở lại “cày sâu, cuốc bẫm”, ứng dụng khoa học vào sản xuất để tăng giá trị trên một đơn vị canh tác. Ban đầu, anh chị lựa chọn cấy giống lúa chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, lấy công làm lãi nên hiệu quả dần được cải thiện. Những năm gần đây, chị tiếc những mảnh ruộng các hộ không sản xuất nên bàn với chồng thuê lại để cấy lúa. Vụ đầu anh chị chỉ dám thuê vài mẫu vì phải thuê máy cấy, thuê người cấy tốn kém. Sau vài năm bám ruộng, anh chị dành dụm được lưng vốn cùng với tiền hỗ trợ của nhà nước (40 triệu đồng) đầu tư mua 1 máy cấy bằng mạ khay phục vụ gia đình mình rồi cấy thuê cả cho các hộ có nhu cầu. Có máy cấy hỗ trợ, anh chị mạnh dạn thuê thêm hàng chục mẫu ruộng của các hộ không sản xuất với giá 20kg thóc/sào/vụ. Hiện tổng diện tích anh chị cấy đã lên tới 15 mẫu, trong đó diện tích của gia đình 1 mẫu, còn lại là thuê. 

Anh Vinh cho biết: Nếu không có máy cấy hỗ trợ vợ chồng tôi không dám thuê nhiều ruộng như vậy. Vì cấy bằng máy tiết kiệm giống, ít tốn công sức, khóm lúa đều, thẳng hàng, thẳng lối, nhanh hơn nhiều so với cấy bằng tay. Nếu cấy bằng tay, một người một ngày chỉ cấy được 1 sào thì cấy máy, một người cấy được 3 - 4 mẫu/ngày. 

Anh Vinh khẳng định: Thực tế cấy máy những năm qua cho thấy, lúa ít sâu bệnh, năng suất cao hơn cấy tay mỗi sào khoảng 20 - 30kg thóc. Ngoài diện tích của gia đình, mỗi vụ vợ chồng tôi nhận làm mạ khay và cấy máy được khoảng trên 40 mẫu cho các hộ nông dân của hai xã Đông Động, Đông Các. Từ cấy máy thuê, thuê ruộng để cấy, mỗi năm vợ chồng chị Thủy thu được gần 100 triệu đồng, số tiền trước đây anh chị không dám mơ tới.

Những việc vợ chồng chị Thủy làm khẳng định chỉ có tích tụ ruộng đất, đưa máy móc vào phục vụ sản xuất theo hướng hàng hóa mới nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, sản xuất mới bền vững, hiệu quả cao. Nhận thức được điều đó nên vợ chồng chị Thủy dự định vụ lúa tới nếu xin được hỗ trợ sẽ đầu tư mua thêm 1 máy cấy bằng mạ khay nữa phục vụ bà con nông dân, đồng thời thuê thêm ruộng để cấy.

Thu Hiền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày