Chủ nhật, 24/11/2024, 20:34[GMT+7]

Quyết liệt tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo

Thứ 6, 18/05/2018 | 08:37:15
1,622 lượt xem
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, thường lây lan từ chó, mèo sang người, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để chữa trị. Trong thời điểm nắng nóng như hiện nay rất dễ làm cho bệnh dại phát triển. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, các địa phương trong tỉnh đang quyết liệt thực hiện công tác tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo.

Hộ dân được cấp giấy chứng nhận sau khi tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Trước tính chất phức tạp của bệnh dại, ngay từ đầu năm 2018, Chi cục đã triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vụ xuân hè, trong đó chú trọng công tác tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo. Chi cục còn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản về tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh dại năm 2018; phát động đợt cao điểm về phòng, chống bệnh dại bắt đầu từ ngày 3/5 đến hết tháng 5/2018 với nội dung trọng tâm là tiêm phòng triệt để vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo. 

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cung ứng cho trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố gần 55.000 liều vắc-xin; lực lượng cán bộ thú y trong tỉnh đã, đang và đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo.

Nhận thức rõ nguy hiểm của bệnh dại, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang quyết liệt thực hiện công tác tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo, đạt kết quả đáng ghi nhận. Điển hình là xã Chương Dương (Đông Hưng) đã tiêm phòng được hơn 400 con trong tổng số 513 con và đang tích cực hoàn thành việc tiêm phòng cho số vật nuôi còn lại. 

Ông Lý Văn Bá, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trường hợp duy nhất tử vong do bệnh dại năm 2017 trên địa bàn tỉnh là người dân của xã Chương Dương. Nguyên nhân là hộ dân chưa tiêm phòng cho chó nuôi; thành viên trong gia đình sau khi bị chó cắn đã chủ quan không đi điều trị dự phòng. Sự việc đau lòng xảy ra tại địa phương là bài học sâu sắc cho cấp ủy, chính quyền cũng như người dân trong việc quyết liệt thực hiện công tác tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo.

Bình Định (Kiến Xương) là địa phương luôn đi đầu trong công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo và tỷ lệ tiêm phòng hàng năm luôn đạt trên 97%. 

Bà Hoàng Thị Hà, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã chia sẻ: Xuất phát từ thực tiễn ở địa phương có trường hợp tử vong do bệnh dại nhiều năm trước đây nên cấp ủy, chính quyền, người dân đã nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống bệnh dại. Địa phương đã nhanh chóng rà soát đàn vật nuôi trên địa bàn, bên cạnh việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, đội ngũ cán bộ thú y của xã nghiêm túc, sát sao trong công tác tiêm phòng. Từ đó các hộ nuôi đã tự giác, tích cực tham gia tiêm phòng và quản lý tốt đàn vật nuôi nhằm phòng, chống bệnh dại xảy ra trên địa bàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.


Ông Bùi Tấn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định (Kiến Xương)

Địa phương đã thực hiện quyết liệt, triệt để các biện pháp phòng dại cho đàn chó, mèo như: thành lập ban chỉ đạo tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi, xây dựng kế hoạch tiêm phòng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; tuyên truyền bằng xe lưu động; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ tiêm phòng. Đối với những hộ chưa thực hiện tiêm phòng trong thời gian kế hoạch đề ra thì yêu cầu làm văn bản cam kết xác nhận tình trạng vật nuôi, trình bày nguyên nhân, hẹn sau bao nhiêu ngày đến tiêm phòng. Nếu gia đình không thực hiện theo cam kết, địa phương yêu cầu phải tiêu hủy vật nuôi. Nhờ vậy, hàng năm tỷ lệ người dân tự giác tiêm phòng cho đàn chó, mèo luôn đạt 95%.

Ông Phạm Văn Ngừng, thôn Cao Mỗ, xã Chương Dương (Đông Hưng), bố của nạn nhân tử vong do bệnh dại

Mất đi người thân vì bệnh dại là nỗi đau khôn nguôi đối với gia đình tôi. Tôi mong rằng sự việc đau lòng này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các gia đình nuôi chó, mèo. Mọi người hãy nêu cao ý thức tự giác trong việc tiêm phòng dại cho chó, mèo, quản lý nuôi nhốt đàn vật nuôi để bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng.

Chị Phạm Thị Loan, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đông Hưng

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện Đông Hưng đã kịp thời ban hành các văn bản và nghiêm túc triển khai công tác phòng, chống bệnh dại ở động vật. Yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê chính xác số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn; phân loại được số lượng đã tiêm và chưa tiêm để triển khai các biện pháp tiêm phòng triệt để. Quan tâm công tác giám sát, báo cáo tình hình dịch bệnh tại cơ sở, tổ chức quản lý đàn chó, mèo. Đôn đốc, bổ khuyết công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi nói chung, bệnh dại trên đàn chó, mèo nói riêng.


Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày