Thứ 2, 25/11/2024, 12:32[GMT+7]

Thăng trầm “phận” ngao (Kỳ 3)

Thứ 2, 17/09/2018 | 08:17:02
2,707 lượt xem
Chất lượng ngao giống là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến ngao chết hàng loạt khi gặp điều kiện bất thuận, đóng vai trò quyết định đến hơn một nửa sự “được - mất” của hộ nuôi ngao. Tuy nhiên, đến nay các cơ sở trong tỉnh mới chỉ đáp ứng được khoảng 17% nhu cầu số lượng ngao giống của các hộ nuôi, trong khi công tác quản lý chất lượng con giống nhập vào trong tỉnh còn nhiều hạn chế.

Vùng nuôi ngao xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

Kỳ 3: Ngao giống - cung không đủ cầu

Năm 2008, nghề ươm nuôi ngao giống bắt đầu xuất hiện tại xã Nam Cường (Tiền Hải). Nhạy bén nắm bắt tình hình, năm 2009, xã Nam Cường đã xây dựng kế hoạch xác định từng bước đưa đối tượng ngao giống vào ươm nuôi trong vùng bãi bồi ngoài đê và vùng chuyển đổi. Đến năm 2011, tổng số hộ ươm nuôi ngao lên tới 60 hộ với diện tích ngoài đê là 132.680m², diện tích vùng chuyển đổi 69.110m². Thời điểm ấy, tại Nam Cường đã có những hộ dân trở thành tỷ phú nuôi ngao giống. Điển hình như hộ ông Bùi Văn Thuận, với 16.000m², sau một năm cho lãi trên 5 tỷ đồng; ông Phan Văn Diễn có 14.400m², lãi 2,2 tỷ đồng/năm; ông Phan Văn Bình với 6.860m²,  lãi 1,1 tỷ đồng/năm...

Cán bộ thủy sản kiểm tra sinh trưởng của ngao giống.


Mặc dù sản xuất ngao giống cho lợi nhuận cao, song không phải địa phương nào cũng có lợi thế, điều kiện để sản xuất ngao giống như ở Nam Cường. 

Theo ông Lê Văn Hoan, cán bộ thủy sản Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy: Để sản xuất được giống ngao, phải có vốn lớn để xây dựng: hệ thống bể lọc thô, lọc tinh, bể chứa, bể nuôi vỗ, bể đẻ, bể ương ấu trùng, nuôi sinh khối tảo, nhà điều hành, nhà ở công nhân, hệ thống cống cấp, thoát nước... Đây là một trong những nguyên nhân gây “khó” cho việc tổ chức sản xuất ngao giống.

Được biết, năm 2012 toàn tỉnh có 10 cơ sở sản xuất, ương dưỡng ngao giống, trong đó có 3 cơ sở quy mô lớn là Công ty Trường Đại, Công ty Sản xuất giống hải sản Đông Minh và Công ty Minh Phú, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 17% nhu cầu giống ngao cho tỉnh. Số lượng còn lại được người dân nuôi ngao nhập về từ nhiều nguồn khác nhau (từ Trung Quốc, Đài Loan; từ tỉnh ngoài như Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre...) nên khó kiểm soát được chất lượng. Đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh còn có 3 doanh nghiệp sản xuất giống ngao là Công ty TNHH Trường Đại, xã Nam Phú, Tiền Hải (5ha); Công ty TNHH Minh Phú, xã Thái Đô, Thái Thụy (1,5ha) và hộ ông Đặng Văn Thiêm, xã Đông Minh, Tiền Hải (7ha), giảm 7 cơ sở so với năm 2012. Sản lượng giống hàng năm giao động từ 250 triệu con đến 2,1 tỷ con/cơ sở/năm, đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu ngao giống cho các hộ nuôi trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 8 cơ sở sản xuất ngao giống, sản lượng khoảng 11,8 tỷ con/năm, đáp ứng được 15 - 17% nhu cầu ngao giống trong tỉnh.

Ương thả ngao giống.


Trong khi số lượng ngao giống còn hạn chế khiến người nuôi không chủ động được nguồn giống thì giá ngao giống có lúc bị đẩy lên cao, có thời điểm 1kg ngao giống lên tới vài trăm triệu đồng. Khó khăn nữa là vấn đề chất lượng con giống, đặc trưng riêng của loài này là con giống chỉ ở thể ấu trùng, rất nhỏ không thể nhìn bằng mắt thường mà phải nhìn bằng kính lúp. Vì vậy, rất khó phân biệt là ngao giống tốt hay giống kém chất lượng. Quá trình đầu tư, hộ nuôi chủ yếu tự đi mua ngao giống bằng kinh nghiệm là chính nên dễ gặp rủi ro, may được giống tốt thì “được mùa” còn mua phải giống kém chất lượng thì người nuôi coi như lại “trắng tay”. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Xương, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) chia sẻ: Với mỗi ki-lô-gam ngao giống trung bình khoảng 1.000 con, nếu thả sống 70% là thành công. Đến khi thu hoạch 1kg ngao giống sẽ cho thu về 10kg ngao thịt. Trừ tất cả chi phí đầu tư là 50%, còn lại 50% người nuôi ngao hưởng. 

Ông Xương trao đổi thêm: Tại thời điểm này, 1kg ngao giống như giá hiện tại là 28.000 - 30.000 đồng, ngao thịt khoảng 8.000 - 9.000 đồng. Nếu như giá đầu ra, đầu vào và tiêu thụ ổn định thì người đầu tư nuôi ngao vẫn có lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện nay ngao giống trên địa bàn chủ yếu là nhập về từ nơi khác nên có thời điểm chất lượng không bảo đảm gây nên thiệt hại cho người nuôi.

Dự kiến đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ có 8 cơ sở sản xuất ngao giống với diện tích ương trong đầm khoảng 311ha, diện tích ương bãi triều 660ha và diện tích nuôi thương phẩm 3.440ha. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn toàn chủ động được nguồn ngao giống, cung cấp cho thị trường trong tỉnh.


Ông Hoàng Văn Sang, Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường (Tiền Hải)

Hiện nay, toàn xã có khoảng 50 hộ sản xuất ngao giống với diện tích trên 20ha. Mỗi năm bình quân một hộ sản xuất khoảng 50 - 70 triệu con. Sản lượng ngao giống mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của hộ nuôi trong khu vực. Với điều kiện hiện tại, chúng tôi mới chỉ hỗ trợ được các hộ sản xuất về tập huấn kỹ thuật. Để có thể phát triển mở rộng mô hình sản xuất ngao giống, chúng tôi mong muốn có chủ trương, cơ chế, biện pháp kỹ thuật hỗ trợ các hộ sản xuất như tạo điều kiện thuận lợi trong tích tụ ruộng đất, mua bán cát bãi, hạn chế ảnh hưởng của nước ngọt đối với các ao đầm sản xuất ngao giống...
Ông Đỗ Văn Tiện, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy

Việc sản xuất ngao giống trên địa bàn chưa phát triển một phần do điều kiện môi trường sản xuất giống chưa bảo đảm. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất ngao giống phải được xây dựng đồng bộ, đủ điều kiện đáp ứng cho hoạt động sản xuất ngao giống, do đó không phải doanh nghiệp nào cũng đủ năng lực để đầu tư, dù sản xuất ngao giống mang lại lợi nhuận cao.
Ông Vũ Hải Long, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản)

Công tác quản lý chất lượng ngao giống gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực và máy móc thiết bị hiện đại để kiểm tra, đánh giá chất lượng, đặc biệt nguồn giống chủ yếu được nhập về từ các tỉnh ngoài nên công tác quản lý càng bị hạn chế. Việc xử phạt nhìn chung chưa có chế tài mang tính răn đe đủ mạnh nên trong công tác quản lý chất lượng con giống vẫn còn nhiều bất cập.

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày