Thứ 2, 25/11/2024, 12:24[GMT+7]

Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn: Giải pháp nâng cao giá trị cho nông sản (Kỳ 1)

Thứ 6, 21/09/2018 | 08:42:40
2,617 lượt xem
Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã chỉ rõ một trong những cơ hội thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành chính là sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ nông sản có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì vậy, việc xây dựng chuỗi nông sản là một trong những giải pháp đột phá để hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp.

Tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giúp nông sản tránh được quy luật “được mùa mất giá” của thị trường.

Kỳ 1: Yêu cầu cấp thiết

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn là việc làm tất yếu phải thực hiện nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng.

Những năm qua, nông nghiệp của tỉnh đã có sự phát triển toàn diện, chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của một tỉnh đồng bằng ven biển và truyền thống thâm canh. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2017 đạt 3,96%/năm. Ước tính, hàng năm, ngành Nông nghiệp cung ứng ra thị trường khoảng trên 1 triệu tấn lương thực có hạt và trên 900.000 tấn rau các loại, trên 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại những hạn chế: quy mô nhỏ lẻ; chưa gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, chế biến; số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít; sản xuất còn chạy theo số lượng, chưa thực sự quan tâm đến chất lượng nông sản… dẫn tới giá trị hàng hóa chưa cao.

Trước thực trạng đó, thời gian qua, tỉnh ta có nhiều giải pháp tích cực, nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao được đưa vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với những cơ chế hỗ trợ thiết thực, cụ thể. Các đề án, quy hoạch phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng an toàn, gắn liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng được phê duyệt: đề án xây dựng vùng sản xuất cây trồng an toàn theo chuỗi giai đoạn 2016 - 2020, đề án xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tỉnh Thái Bình; đề án xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi lợn và gia cầm tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020... Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 14 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thực phẩm an toàn, tập trung ở các sản phẩm: gạo, trà thảo dược, giò chả, nước mắm, ngao, hoa quả, nấm, rau các loại; trong đó có 2 chuỗi sản xuất lúa gạo của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed và Công ty TNHH Hưng Cúc được công nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. 

Ông Nguyễn Hồng Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn sẽ góp phần tăng nguồn cung và từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn của người dân trên địa bàn tỉnh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa phát triển. Đây cũng là một trong những hướng đi tất yếu giúp nông sản tránh được quy luật “được mùa mất giá” của thị trường. Tham gia chuỗi, mô hình sẽ được quản lý chất lượng tất cả các khâu từ nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, chế biến… theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tạo nên mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan chức năng và các bên tham gia đều được hưởng thụ lợi ích. 

Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed là một trong hai doanh nghiệp có chuỗi sản xuất lúa gạo được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Trong chuỗi này, các đơn vị sản xuất sẽ được bảo đảm đầu ra cho nông sản, tránh được rủi ro trước biến động của thị trường, các đơn vị kinh doanh có được niềm tin từ người tiêu dùng dựa trên những cam kết, chứng nhận về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cơ quan quản lý nhà nước kiểm định, cấp chứng nhận. Người tiêu dùng khi đến với chuỗi sẽ không còn nghi ngại về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm bởi những sản phẩm trong chuỗi đều được kiểm tra định kỳ, đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng theo quy định… 

Chị Phạm Thị Hòa, phường Quang Trung (thành phố Thái Bình) cho biết: Từ nhiều năm qua, gia đình tôi lựa chọn các sản phẩm gạo của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, từ khi biết được thông tin công ty đã có chuỗi cung ứng gạo an toàn được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận, tôi lại càng yên tâm hơn về lựa chọn của mình. Tôi mong thời gian tới, không chỉ có gạo mà nhiều sản phẩm thực phẩm khác cũng sẽ hình thành chuỗi cung ứng an toàn để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn cho sức khỏe.

Trước những đòi hỏi tất yếu của xu thế phát triển ngành Nông nghiệp cũng như những lợi ích mà các đơn vị nhận được khi tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn trong xây dựng, phát triển chuỗi.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày