Thứ 3, 26/11/2024, 03:23[GMT+7]

Lô Giang tiêu hủy lợn ốm bất thường, phòng bệnh dịch tả châu Phi

Thứ 5, 21/02/2019 | 19:01:23
1,296 lượt xem
Đến thời điểm này, trên địa bàn xã Lô Giang (Đông Hưng) đã phát hiện 28 con lợn ốm bất thường của 2 hộ chăn nuôi. Để bảo vệ đàn lợn, ngăn ngừa sự xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn xã, UBND xã Lô Giang tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn.

Lấy mẫu lợn bệnh để đưa đi xét nghiệm.

Xã Lô Giang hiện có tổng đàn lợn 5.200 con của 278 hộ chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi gia trại. Đến ngày 20/2, hộ bà Đỗ Thị Duyên ở thôn Phú Nông thông báo có 22 con lợn và hộ ông Vũ Đăng Huy ở thôn Hoàng Nông thông báo có 6 con lợn ốm bất thường. Ngay sau đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Đông Hưng đã về xã kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn, đặc biệt là với 2 hộ có lợn ốm bất thường. 

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện, ngay chiều ngày 20/2 xã Lô Giang đã huy động lực lượng khẩn trương thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng quanh chuồng trại của 2 hộ có lợn ốm bất thường. 

Đồng chí Vũ Xuân Khu, Chủ tịch UBND xã Lô Giang cho biết: Ngay sau khi các hộ chăn nuôi báo cáo có lợn ốm bất thường xã đã báo cáo với huyện, với tỉnh, cử cán bộ thú y xuống hộ kiểm tra, cấp vôi bột và thuốc tiêu độc khử trùng để các hộ rắc, phun toàn bộ chuồng trại, đồng thời yêu cầu các hộ không được bán chạy, giết mổ, vận chuyển lợn ốm đi nơi khác. 

Ngay sáng ngày hôm sau (21/2), xã đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn ốm bất thường của 2 hộ theo đúng quy trình hướng dẫn. Cả 2 hộ có lợn ốm bất thường đều đồng thuận cho tiêu hủy lợn ốm của gia đình mình. 

Bà Đỗ Thị Duyên, thôn Phú Nông cho biết: Gia đình nuôi lợn ở 2 khu chuồng với diện tích 10 mẫu, tiêm phòng đầy đủ, khi phát hiện 22 con bị ốm tôi thông báo ngay cho xã, đồng thời thực hiện rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng cho cả 2 khu chuồng trại. Hơn 1 tấn lợn bị tiêu hủy cũng tiếc song phải chấp nhận để không lây lan sang các hộ chăn nuôi khác. 

Hộ ông Vũ Đăng Huy, thôn Hoàng Nông chỉ có 6 con bị bệnh trong tổng số đàn lợn 37 con, mỗi con nặng trên 60kg. Ông Huy cũng đồng ý tiêu hủy lợn song đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ để gia đình bớt khó khăn.

Cán bộ xã rắc vôi bột để khử trùng quanh khu vực chuồng trại của gia đình bà Đỗ Thị Duyên.

Hiện nay, lợn dịch tả châu Phi đã phát sinh trên địa bàn xã Đông Đô (Hưng Hà) và có nguy cơ lây lan, bùng phát trên diện rộng, đặc biệt là với một số xã của Đông Hưng giáp ranh với huyện Hưng Hà. 

Theo bà Phạm Thị Loan, phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đông Hưng, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút gây ra, lây lan nhanh trên lợn, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao, hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp hiệu quả nhất là tiêu hủy lợn bệnh. Để việc tiêu hủy lợn mắc bệnh nguy hiểm ở Lô Giang bảo đảm không phát tán vi rút gây bệnh khi di chuyển ra hố chôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã chỉ đạo và cử cán bộ thú y thực hiện đúng quy trình tiêu hủy: Trước khi chôn phải làm lợn chết bằng điện, cho vào bao tải, buộc chặt miệng bao, cho lên xe tải ba gác đã được rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng, phủ ni lông. Rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng dọc đường xe chở lợn đi qua. Hố chôn lợn mắc bệnh cách nhà dân, lót ni lông, lấp đất xong phải rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng. Xe vận chuyển lợn rửa sạch sẽ và phun đẫm thuốc khử trùng ngay tại nơi tiêu hủy. Tất cả cán bộ tham gia công tác tiêu hủy phải đi ủng, mặc áo bảo hộ, đeo găng tay, xong việc, trút bỏ và đốt.

Chôn lấp tiêu hủy lợn bệnh đúng quy trình.

Đồng chí Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho  biết: Để hỗ trợ xã Lô Giang phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn, UBND huyện Đông Hưng quyết định hỗ trợ xã trên 800 lít hóa chất. Lãnh đạo huyện và cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện trực tiếp xuống phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo, giúp đỡ người dân tiêu hủy lợn ốm, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống và nhận biết bệnh dịch tả châu Phi cho các hộ chăn nuôi để đề phòng. Xã Lô Giang huy động 20 tấn vôi bột và lực lượng phối hợp cùng các hộ chăn nuôi phun tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại trên địa bàn xã. Công an xã lập chốt kiểm dịch không cho vận chuyển lợn ra, vào địa phương. Hộ nào có lợn ốm không ăn, sốt cao phải báo cáo ngay để UBND xã có biện pháp xử lý kịp thời tránh lây lan ra diện rộng. Riêng với các hộ chăn nuôi, lợn chưa có bệnh yêu cầu các hộ áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng khu chăn nuôi; tăng cường chăm sóc nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn.

Để bệnh nguy hiểm, dịch tả lợn châu Phi không xâm nhập, lây lan ra diện rộng, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể rất cần sự tự giác chủ động thông báo khi phát hiện lợn mắc bệnh, tích cực phối hợp thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại của các hộ chăn nuôi.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày