Đông Hưng tập trung phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn
Huyện Đông Hưng hiện có tổng đàn lợn gần 94.000 con của gần 8.000 hộ chăn nuôi tại 68 trang trại, 1.200 gia trại. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua huyện Đông Hưng đã thành lập Ban Chỉ đạo, triển khai kế hoạch, ban hành 2 công điện khẩn, họp triển khai các văn bản của tỉnh, của huyện tới ban chỉ đạo và cán bộ chăn nuôi thú ý các xã, thị trấn. Đặc biệt với xã Lô Giang - xã đã phát hiện lợn ốm bất thường, huyện thành lập tổ chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh ngay tại xã. Đồng chí Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, tổ trưởng tổ chỉ đạo tại xã Lô Giang cho biết: Sau khi tiếp nhận thông báo của xã về trường hợp lợn ốm bất thường của 4 hộ chăn nuôi tại 2 thôn Phú Nông và Hoàng Nông, ngày 21/2/2019 huyện đã chỉ đạo tiêu hủy 75 con lợn ốm bất thường với tổng 3.910kg theo đúng quy trình để tránh lây lan ra diện rộng. Ngày 22/2, cán bộ thú ý tiếp tục triển khai lấy mẫu bệnh phẩm của các hộ chăn nuôi trên địa bàn 2 thôn Phú Nông và Hoàng Nông để kịp thời có phương án xử lý. Xã cũng đã tiếp nhận hóa chất, vôi bột phun, rắc tiêu độc khử trùng theo đúng quy định trên địa bàn toàn xã; lập 5 chốt kiểm dịch động vật. Do có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, cương quyết của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành chức năng liên quan, khai báo kịp thời, đồng thuận tiêu hủy của các hộ có lợn ốm bất thường nên ngày 22/2 xã Lô Giang không phát hiện thêm trường hợp lợn bị bệnh bất thường nghi dịch bệnh nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Kế rắc vôi bột khử trùng chuồng trại để bảo vệ đàn lợn của gia đình.
Khi biết thông tin xã Đông Đô (Hưng Hà) có dịch tả lợn châu Phi, UBND xã Minh Tân - xã chỉ cách Đông Đô 1km cách đây 1 tuần đã tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại chuồng trại của 96 hộ chăn nuôi trong toàn xã. Đồng chí Nguyễn Đăng Duyên, Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận hóa chất hỗ trợ của tỉnh, xã đã thành lập ở 5 thôn mỗi thôn 1 tổ công tác với đủ thành phần quy định để chỉ đạo công tác ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi có khả năng xâm nhập vào xã. Tổ chức rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc khử trùng lần 2 xung quanh chuồng trại của các hộ chăn nuôi lợn; lập các chốt kiểm dịch kiểm soát tất cả các phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn lưu thông vào xã.
Xã An Châu thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng trên các tuyến đường vào xã.
Với xã An Châu - một trong 8 xã vùng đệm có khả năng lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi từ xã Đông Đô (Hưng Hà) và bệnh nguy hiểm trên đàn lợn ở xã Lô Giang (Đông Hưng) công tác phòng, chống để bảo vệ đàn lợn cũng được thực hiện khẩn trương, quyết liệt với phương châm lấy phòng ngừa là chính. Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã An Châu cho biết: Toàn xã có 2.200 con lợn của 164 hộ chăn nuôi, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của các cấp liên quan đến phòng, chống bệnh nguy hiểm trên đàn lợn, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên hệ thống phát thanh sáng, trưa, chiều, xã cũng đã tiếp nhận hóa chất, mua vôi bột phun, rắc để tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi, các hộ giết mổ gia súc, nơi công cộng, các tuyến đường vào xã. Phân công các đồng chí đảng ủy viên phụ trách các chi bộ xuống từng hộ chăn nuôi tuyên truyền, hướng dẫn các hộ thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Giao ban công an xã phát hiện ngăn chặn các hộ bán thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ từ nơi khác vào địa bàn xã. Các hộ chăn nuôi đã nhận thức được sự nguy hại của bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ động thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi an toàn để bảo vệ đàn lợn của gia đình. Ông Nguyễn Văn Kế, thôn Kim Châu 2, xã An Châu cho biết: Đàn lợn trên 30 con của gia đình mới khỏi bệnh lở mồm long móng còn yếu lại nghe có dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm nên rất lo. Mấy hôm trước gia đình đã chủ động mua vôi bột về rắc khắp chuồng trại và xung quanh nhà để tiêu độc khử trùng, đồng thời thường xuyên vệ sinh chuồng trại.
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại xã Minh Tân.
Hiện nay, cả hệ thống chính trị của huyện Đông Hưng đã vào cuộc phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn, ngăn ngừa khả năng xâm nhiễm của bệnh dịch tả lợn châu Phi vào huyện theo phương châm: Tập trung cao cho việc phòng chống, không chủ quan, xem thường nhưng cũng không quan trọng hóa ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân, nhất là các hộ chăn nuôi; phòng bệnh dịch là chính, bệnh dịch xảy ra ở đâu thì tiêu hủy ở đó theo đúng quy trình hướng dẫn. Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng yêu cầu: Các đơn vị liên quan, các xã, thị trấn, nhất là 8 xã vùng đệm gồm: An Châu, Lô Giang, Đô Lương, Minh Tân, Thăng Long, Mê Linh, Chương Dương, Hợp Tiến bên cạnh việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của tỉnh phải kiểm soát chặt chẽ đàn lợn của địa phương, phát hiện kịp thời, báo ngay với chính quyền nếu lợn ốm bất thường. Thành lập tổ công tác của xã, của thôn, phân công nhiệm vụ cụ thể, xử lý kịp thời tình huống xảy ra ngay tại cơ sở. Đóng cửa chuồng trại khi xã có ổ dịch, không giết mổ, không tự tiêu hủy, hạn chế đi lại nhằm hạn chế gieo mầm bệnh cho nơi khác. Thành lập các chốt kiểm dịch không cho lợn ra, vào địa bàn. Cung ứng đủ vật tư, hóa chất để địa phương phòng chống dịch. Đối với xã Lô Giang phải xác định phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, huy động cả hệ thống chính trị của các thôn vào cuộc. Bố trí đủ lực lượng, phương tiện tham gia chốt chặn, tiêu hủy lợn ốm bất thường. Hạn chế tái đàn, nuôi mới đàn lợn trong thời điểm hiện tại.
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh