Thứ 3, 26/11/2024, 09:21[GMT+7]

Đông Hưng: Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa

Thứ 3, 12/03/2019 | 08:23:43
904 lượt xem
Hiện nay, đại bộ phận lúa xuân của huyện Đông Hưng đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ. Nhiệt độ và ẩm độ phù hợp cho lúa sinh trưởng nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh mạnh. Chính quyền địa phương cùng nông dân đã vào cuộc triển khai nhiều biện pháp nhằm “cắt” mầm bệnh gây hại lúa xuân.

Nông dân huyện Đông Hưng chăm sóc lúa xuân.

Cứ tháng Giêng, bà Lê Thị Thìn, thôn Văn Ông, xã Đông Vinh lại thấp thỏm không yên lo bệnh đạo ôn xuất hiện trên lúa xuân. 

Bà Thìn cho biết: Đúng thời điểm lúa phát triển mạnh về thân, lá là giai đoạn bệnh đạo ôn dễ phát sinh nhất. 4 trong 8 sào ruộng nhà tôi đều xuất hiện vết bệnh, thực hiện khuyến cáo của HTX tôi phun thuốc phòng, trừ kịp thời tránh bệnh lây lan ra diện rộng, đồng thời tích cực thăm đồng, kiểm tra lúa.

Vụ xuân năm nay toàn huyện Đông Hưng gieo cấy trên 11.400ha, trong đó trên 60% giống lúa năng suất cao như BC15, TBR225, TBR-1, Q5..., còn lại là giống chất lượng cao. Được nhận định là vụ xuân ấm nên các cơ quan chuyên môn tiên lượng sâu bệnh hại sẽ diễn biến phức tạp: bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, đục thân, rầy các loại có cơ hội để phát sinh, phát triển thành dịch; ngoài ra, chuột hại cũng sẽ sinh sôi, nảy nở nhanh hơn... 

Năm nay, huyện Đông Hưng phát động phòng, trừ đạo ôn khá sớm. Từ đầu tháng 2, các cảnh báo về hiện tượng thời tiết, sinh trưởng của lúa đã được công bố rộng rãi, trong đó chỉ rõ các vùng, giống lúa xung yếu nhất. 

Bà Vũ Thị Nhuệ, Quyền Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Qua kiểm tra của Trạm, trên các giống nhiễm như nếp địa phương, TBR225, Q5... tỷ lệ bệnh đạo ôn trung bình từ rải rác đến 3%, nơi cao từ 10 - 15%, cá biệt 70 - 80%, nhiều xã có điểm lùn lụi. Hiện tại, trên đồng ruộng vết cấp tính đang phát triển rất nhiều trên cả lúa cấy và lúa gieo thẳng sớm. Với nguồn bệnh, cơ cấu giống nhiễm cao và đặc biệt điều kiện thời tiết thuận lợi, dự báo nguồn bệnh có khả năng phát sinh trên diện rộng và gây lùn lụi nặng nếu không tổ chức phòng, trừ kịp thời ở giai đoạn này. Với phương châm phòng, trừ sớm và kịp thời ngay từ khi bệnh mới chớm xuất hiện, Trạm đề nghị các địa phương căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, phát động thành đợt phòng, trừ bệnh đạo ôn từ ngày 5 - 10/3 để người dân phòng, trừ sớm, tập trung và hiệu quả cao.

UBND huyện cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện ngay việc kiểm tra đồng ruộng, phát động thành đợt phòng, trừ khi ruộng lúa có diện tích bị bệnh đạo ôn hoặc có những vết bệnh cấp tính từ 3 - 5% trở lên. Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng cắt sạch cỏ bờ, giữ đủ nước không để ruộng khô hạn, không bón đạm đơn cho lúa. Tiếp tục tổ chức diệt chuột và ốc bươu vàng bằng các biện pháp thủ công, sinh học, riêng biện pháp hóa học phải bảo đảm an toàn cho người, vật nuôi; nghiêm cấm việc sử dụng điện để đánh bắt chuột; không dùng thuốc diệt cỏ để diệt bèo bồng, cỏ trên bờ ruộng, trục đường giao thông gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe của con người. 

Huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông phân công cán bộ xuống cơ sở, cùng chính quyền các xã, HTX thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện và hướng dẫn kỹ thuật phòng, trừ bệnh đạo ôn và các loại sâu bệnh hại khác đạt hiệu quả cao.

Theo kinh nghiệm của cán bộ kỹ thuật cũng như nông dân, đối với dịch bệnh đạo ôn thì biện pháp tối ưu vẫn là vào cuộc sớm, giải quyết dứt điểm các vết bệnh cấp tính từ lúc mới hình thành. Do đó, người dân và các địa phương phải tuân thủ đúng khuyến cáo, đồng thời cần thường xuyên thăm đồng để điều chỉnh lượng nước, phân bón và phòng, trừ sâu bệnh kịp thời, phù hợp.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày