Thứ 3, 26/11/2024, 09:37[GMT+7]

Hà Nam dồn sức phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ 4, 13/03/2019 | 07:38:23
1,450 lượt xem
Cũng như nhiều địa phương khác, với tinh thần không chủ quan, nhằm hạn chế tối đa sự lây lan, tỉnh Hà Nam đang tiếp tục dồn sức phòng, chống dịch tả lợn châu Phi bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt...

Ông Đỗ Mạnh Hà - Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thứ nhất từ trái sang) kiểm tra chốt kiểm dịch động vật tại xã Liêm Phong.

Ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi chưa lây lan đến tỉnh Hà Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có có văn bản đề nghị UBND huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng có liên quan và UBND các xã, phường thực hiện các giải pháp, phòng, chống dịch: tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn và truy xuất nguồn gốc nhập lợn tại các địa phương nhằm kiểm soát và phát hiện ổ dịch sớm; yêu cầu người dân khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp kiến thức, các biện pháp về phòng, chống dịch; v.v.

Dù đã thực hiện các giải pháp, nỗ lực, quyết liệt phòng, chống dịch, nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn lây lan đến Hà Nam. Ngày 27/2, dịch đã  xuất hiện ở xã Văn Xá (Kim Bảng), sau đó đến 3 xã: Liêm Phong (Thanh Liêm), Chính Lý (Lý Nhân), Bạch Thượng (Duy Tiên).

Tính đến sáng ngày 12/3, Hà Nam chưa xuất hiện ổ dịch mới, trừ ổ dịch đã xảy ra với 9 hộ/ 4 xã, với tổng số lợn phải tiêu hủy là 401 con. Hiện tất cả các xã có dịch đều duy trì trực chốt kiểm dịch 24/24h để kiểm soát  việc vận chuyển động vật (đặc biệt là vận chuyển lợn) và thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng, chống dịch.

Ông Hoàng Văn Lộc - Chủ tịch UBND xã Chính Lý (bên trái) kiểm tra việc tiêu độc khử trùng

tại cơ sở chăn nuôi sau khi hộ ông Nguyễn Văn Việt ( ở thôn 1) đã tiêu hủy lợn mắc dịch.

Chốt kiểm dịch động vật tại xã Ngọc Lũ. 

Với tinh thần không chủ quan, nhằm hạn chế tối đa sự lây lan, nhiều địa bàn thuộc tỉnh Hà Nam đã đặt các chốt kiểm dịch động vật.

Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, hiện có 300 hộ nuôi, với tổng đàn là 25.000 con, được xếp vào xã đứng đầu tỉnh về chăn nuôn lợn (tổng đàn cả tỉnh gần 470.000 con). Dù chưa có dịch, nhưng Ngọc Lũ thực hiện việc phòng, chống  dịch từ rất sớm, vì liên quan đến sinh kế của người dân, sự ổn định của địa phương.

Dịch tả lợn châu Phi không có vắc- xin phòng bệnh và không có thuốc chữa, nên các giải pháp phòng, chống dịch của xã Ngọc Lũ cũng được thực hiện như nhiều địa phương khác: rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; đặt chốt kiểm dịch động vật; không nhập lợn giống; tuyên truyền đúng về dịch bệnh để người chăn nuôi không hoang mang, người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn sạch...

Mua bán thịt lợn sạch, có nguồn gốc tại chợ Bầu

Chợ Đầu mối là chợ mua bán lợn hơi lớn nhất Hà Nam vẫn hoạt động bình thường

Theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 12/3, hoạt động buôn bán và giết mổ lợn có nguồn gốc, không dịch bệnh ở Hà Nam vẫn diễn ra bình thường.

Tại chợ đầu mối chuyên mua bán lợn hơi lớn nhất tỉnh nằm trên địa bàn xã Bối Cầu, huyện Bình Lục, vẫn hoạt động như khi chưa có dịch, chỉ có điều giá lợn, số lượng người mua bán có giảm chút ít.

Còn tại chợ Bầu ở thành phố Phủ Lý, là chợ có hoạt động mua bán lớn nhất tỉnh, việc mua bán thịt lợn sạch, có nguồn gốc vẫn diễn ra bình thường, tất nhiên không thể sôi động như những tháng trước.

Cũng như nhiều địa phương khác, với tinh thần không chủ quan, nhằm hạn chế tối đa sự lây lan, tỉnh Hà Nam tiếp tục dồn sức cho việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... để hạn chế thiệt hại về kinh tế và sức người.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày