Thứ 3, 26/11/2024, 13:44[GMT+7]

Kiến Xương:Tập trung khoanh vùng, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 4, 03/04/2019 | 08:33:59
1,275 lượt xem
Với mục tiêu không để bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng, cấp ủy, chính quyền huyện Kiến Xương đã chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp cấp bách khoanh vùng, ngăn chặn.

Người chăn nuôi xã Bình Định (Kiến Xương) phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi.

Bình Định là một trong những xã chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Những ngày qua, xã quyết liệt chỉ đạo các thôn triển khai các giải pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại, giữ vệ sinh khu chăn nuôi và môi trường xung quanh. 

Ông Bùi Tấn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có trên 8.000 con lợn. Thời gian qua, xã đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức  cho người chăn nuôi về bệnh dịch tả lợn châu Phi để mọi người thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống theo quy định, không giết mổ và tiêu thụ lợn ốm, chết. Cùng với đó, xã làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột và thành lập các chốt ở điểm giáp ranh với các địa phương khác; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm an toàn từ lợn trên địa bàn...

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn huyện có gần 117.000 con lợn, trong đó đàn lợn nái gần 27.000 con, lợn thịt trên 46.000 con. Về quy mô chăn nuôi, có 55 trang trại, trong đó 39 trang trại chăn nuôi lợn, còn lại là trang trại tổng hợp. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên tại một hộ chăn nuôi ở xã Vũ Quý. Ngày 20/3, trên địa bàn huyện đã xuất hiện bệnh dịch ở các xã Vũ Quý, Quang Lịch, Thanh Tân. Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, huyện đã tổ chức cuộc họp khẩn chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với dịch. 

Ông Vũ Mạnh Thía, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay khi có thông tin trong tỉnh xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện đã triển khai các giải pháp cấp bách để phòng, chống. UBND huyện chỉ đạo các xã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm “5 không” trong phòng, chống dịch. Huyện đã thành lập 1 đội kiểm dịch lưu động, 4 chốt kiểm dịch cấp huyện và 69 chốt kiểm dịch cấp xã đặt tại các điểm trọng yếu nơi có lưu lượng xe vận chuyển qua lại thường xuyên; đồng thời, thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát các điểm kinh doanh, giết mổ lợn, các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm chế biến từ lợn ra vào địa bàn; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Tính đến hết ngày 29/3, toàn huyện đã có 24/37 xã, thị trấn phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi; tổng số lợn đã tiêu hủy 2.217 con với tổng trọng lượng 86.327kg. Huyện đã cấp 1.431 lít hóa chất và 67.241kg vôi bột hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch và tiêu độc, khử trùng. 

Ông Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đơn vị đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cán bộ thú y các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các chợ buôn bán lợn, các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt lợn và sản phẩm chế biến từ lợn; phát hiện, báo cáo bệnh dịch kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm từ đàn lợn nuôi nghi bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các cơ sở chăn nuôi, trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi. Hiện nay bệnh dịch này chưa có vắc-xin phòng bệnh nên các cấp chính quyền và người dân, người chăn nuôi phải nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Bà Bùi Thị Minh Thành, phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kiến Xương

Thời điểm này, các hộ chăn nuôi lợn hạn chế người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi cũng như diệt chuột, hạn chế vật nuôi, chim và động vật hoang dã xâm nhập vào khu vực chăn nuôi và phát quang bụi rậm, chặt tỉa cây cối, khơi thông cống rãnh, quét dọn chuồng trại. Cùng với tiêu độc, khử trùng theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y, người chăn nuôi phải chăm sóc, bổ sung vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn. Cùng với đó, thường xuyên theo dõi, kiểm tra đàn lợn, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ lợn bị bệnh, ốm chết phải báo cáo ngay cho lực lượng thú y xã, trưởng thôn, chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Xá, Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa

Vũ Hòa là một trong ít địa phương trong huyện chưa xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Hiện nay, địa phương có 12 trang trại có quy mô và là một trong những xã có người đi buôn bán lợn ở tỉnh Nam Định. Địa phương đã thành lập các chốt kiểm dịch tại các bến phà, đò tiếp giáp với tỉnh Nam Định; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các chủ hộ kinh doanh, buôn bán lợn, thịt lợn thực hiện nghiêm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm... Xã quyết tâm ngăn chặn bệnh dịch lây lan vào địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Công ty TNHH Huy Gia Trang, xã Bình Định

Trang trại hiện có trên 4.000 con lợn thịt, 200 con lợn nái. Thời điểm này, chúng tôi đang căng mình ngăn chặn bệnh dịch, thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ đàn lợn. Trang trại tuân thủ các quy trình vệ sinh, khử trùng trong sử dụng thức ăn, nguồn nước bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể
   gây ra hậu quả nghiêm trọng.


Tất Đạt




Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày