Chủ nhật, 17/11/2024, 09:30[GMT+7]

Phát triển chăn nuôi hàng hóa ở Vũ Thư Nhiều khó khăn, rủi ro

Thứ 3, 21/02/2012 | 15:49:30
1,425 lượt xem
Những ngày đầu năm Nhâm Thìn, chăn nuôi ở Vũ Thư lại xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại đó là dịch lở mồm, long móng được phát hiện ở xã Hồng Lý với mức độ rủi ro cao hơn trước: 135 con lợn đã tử vong, trong khi buổi tối hôm trước nhiều con vẫn ăn uống bình thường. Ngành chăn nuôi liên tục phải đối mặt với những khó khăn về dịch bệnh, giá thức ăn, đầu ra cho sản phẩm.

Tuy nhiên, với cố gắng của các hộ sản xuất, kết quả thống kê của huyện đến 31/12/2011, đàn lợn có 169.793 con, tăng 0,7%, đàn trâu bò 8.232 con, tăng 0,2%, đàn gia cầm 967.221 con, tăng 0,2%. Tổng giá trị ngành chăn nuôi đạt 293,6 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2010. Năm 2012 huyện sẽ  đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIII, qua đó có những chính sách tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Nâng cao quy mô, chất lượng các vùng chăn nuôi tập trung, mở rộng hình thức chăn nuôi, trang trại. Khuyến khích tiếp thu một số con vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất và chăn nuôi gia công. Phấn đấu có thêm 2-3 trang trại lớn; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 346,9 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2011.

 

Hiện nay, Vũ Thư có 212 trang trại, 2.875 gia trại; trong đó 551 gia trại nuôi lợn; 476 gia trại nuôi gà, vịt, ngan; 1496 gia trại tổng hợp. Trang trại của ông Trịnh Văn Kim (xã Song An) hàng năm cung cấp cho bà con hàng chục ngàn con gà, ngan, ngỗng, lợn giống theo nhu cầu từng thời điểm, chưa kể gia cầm thương phẩm. Trang trại nuôi lợn nái ngoại của anh Nguyễn Văn Vui (Bách Thuận) khép kín từ sản xuất con giống đến nuôi lợn thương phẩm. Hệ thống chuồng trại hiện đại, xây dựng  theo tiêu chuẩn của Công ty CP (Thái Lan), nuôi 13 nái ngoại, 200 con lợn thịt. Gia đình anh Nguyễn Như Nhượng (Bách Thuận) có diện tích 1 mẫu vườn trồng cây cảnh, 3 sào ao nuôi ba ba. Anh xây 3 dãy chuồng nuôi 11 con lợn nái (2 nái ngoại), trên 100 con lợn con, 80 con lợn thịt.

 

Thực tế cho thấy: Những chủ trang trại đã xác định rõ hướng đi, sản xuất loại sản phẩm hàng hóa thị trường cần, coi chăn nuôi như một nghề chính của gia đình, đầu tư chuồng trại hiện đại, quanh năm cung cấp sản phẩm cho thị trường chứ không nhằm lúc giá cao, mùa cưới, vụ tết mới nuôi, theo kiểu “đánh quả” đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt: Chăn nuôi trở thành thu nhập chính của gia đình, thậm chí làm giàu. Người nuôi chuyên nghiệp một năm chấp nhận 4 tháng lỗ, 2 tháng hòa, 6 tháng có lãi  là “sống khỏe”. Một số chủ trang trại bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, lợi nhuận cao hơn như anh Trần Duy Quỳnh (xã Vũ Vân). Vùng bãi nổi ven sông Hồng rộng 12 ha được anh quy hoạch thành từng khu ao nuôi cá, gia cầm, nuôi bò... và  sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VIETGAP. Vừa cung cấp cho siêu thị tỉnh ngoài, anh còn mở kiốt bán hàng tại chợ Quang Trung (Thành phố), chế biến phục vụ bếp ăn trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Anh Đồng Văn Thành (Tân Phong) ngoài nuôi các con vật truyền thống như lợn, gà, cá, vịt, anh còn nuôi con ếch đặc sản. Vợ anh thuê kiốt chợ Đề Thám (Thành phố) chuyên bán hàng của gia đình sản xuất.   

 

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của Vũ Thư giá trị sản xuất, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ còn phổ biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Hầu hết các gia trại còn nằm trong khu dân cư gây tình trạng ô nhiễm môi trường. Khâu quản lý Nhà nước về giống, thức ăn chăn nuôi, chất lượng thuốc thú y còn những bất cập. Kết quả tiêm phòng hàng năm đạt thấp so với tổng đàn cho thấy nhận thức của hộ chăn nuôi còn hạn chế. Trưởng ban chăn nuôi thú y được hưởng chế độ phụ cấp hệ số 1,0 nhưng đội ngũ thú y viên chưa có chế độ phụ cấp, ngày công thấp nên chưa động viên khuyến khích được họ nhiệt tình tham gia các đợt tiêm phòng.

 

Trong khi khâu kiểm soát dịch bệnh trước mắt cũng như lâu dài vẫn là yếu tố hàng đầu bảo đảm chăn nuôi an toàn, bền vững, quyết định sự tăng trưởng ngành chăn nuôi, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Công tác quy họach trang trại chưa được chú trọng ngay từ ban đầu, phần lớn  chủ trang trại có vốn đến đâu đầu tư đến đó. Trình độ quản lý kinh tế, kiến thức khoa học kỹ thuật về thú y, trồng trọt, chăn nuôi của các chủ trang trại hạn chế, chủ yếu làm theo kinh nghiệm nên khi dịch bệnh xảy ra lúng túng trong xử lý. Một số xã như Nguyên Xá cấp quyền sử dụång đất 5 năm (theo thẩm quyền) quá ngắn nên chủ các trang trại không yên tâm đầu tư.

 

Đã đến lúc cần coi trọng cả 2 yếu tố để ngành chăn nuôi phát triển bền vững đó là bền vững môi trường( an toàn dịch bệnh ) và bền vững kinh tế. Huyện cần có cơ chế, chính sách tiếp tục hoàn thiện đầu tư hạ tầng các vùng chăn nuôi tập trung đã quy hoạch xa khu dân cư như vùng chăn nuôi Vũ Tiến, Bách Thuận, Vũ Đoài, Phúc Thành ...Nhiều chủ trang trại mong mỏi huyện thẩm định cấp chứng nhận đủ tiêu chí trang trại để vay vốn ngân hàng.

 

Để bảo đảm bền vững về kinh tế, các trang trại cần kết hợp chăn nuôi với trồng trọt đem lại hiệu quả cao hơn. Một hộ chăn nuôi chỉ dùng cám công nghiệp, con giống đi mua, lao động phải thuê mướn khó tồn tại lâu dài. Trong khi những trang trại gia đình quy mô 2-5 ha, một phần làm chuồng trại, một phần làm vườn, ao, cả gia đình trực tiếp lao động, tự tay chăm sóc đàn lợn, bầy gà, tự sản xuất con giống, tự phối trộn thức ăn chăn nuôi; chất thải dùng bón cây cối trong vườn, chi phí sản xuất sẽ giảm đáng kể. Điều hộ chăn nuôi lo ngại đó là dịch bệnh. Trong khi 3 tháng, người chăn nuôi đã xuất chuồng, tái đàn khác thì Nhà nước chỉ tiêm vắc xin định kỳ 6 tháng 1 lần. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách bảo hộ, khuyến khích ngành chăn nuôi, ngoài vấn đề thiết yếu là chất lượng con giống, điều tiết giá thức ăn chăn nuôi, kiểm soát, cung ứng thuốc thú y, rất cần phải quan tâm đến đội ngũ thú y viên cơ sở.

 

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày