Thứ 3, 26/11/2024, 17:27[GMT+7]

Bình Nguyên: Tập trung bảo vệ lúa xuân

Thứ 6, 19/04/2019 | 08:42:45
966 lượt xem
Thời điểm này, lúa xuân của xã Bình Nguyên (Kiến Xương) sinh trưởng và phát triển đồng đều, đang ở giai đoạn phân hóa đòng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên tình hình sâu bệnh hại lúa có chiều hướng phát triển, diễn biến phức tạp, đặc biệt là đối tượng rầy.

Nông dân xã Bình Nguyên phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn hại lúa xuân.

Ông Phạm Văn Đông, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Vụ xuân năm 2019, Bình Nguyên gieo cấy 384ha lúa, trong đó 30% diện tích lúa lai, 40% diện tích lúa chất lượng cao, còn lại là các giống năng suất cao. Do ảnh hưởng của vụ xuân ấm, bên cạnh việc tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt thì đây cũng là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh sinh trưởng, phát triển mạnh. Bình Nguyên có hai xóm: xóm Đòi và xóm Đông thuộc thôn Quân Hành có truyền thống cấy giống lúa nếp địa phương với diện tích 30ha làm hàng hóa, do vậy đây được xem là “ổ” bệnh đạo ôn hại lá ở vụ xuân. Để phòng, chống bệnh, HTX đã khuyến cáo các hộ dân phòng, trừ bệnh ngay từ trên cây mạ đồng thời tích cực kiểm tra đồng ruộng sau khi gieo cấy, tiến hành phun thuốc ngay khi xuất hiện vết bệnh. Đến nay, nhìn chung bệnh đạo ôn hại lá nhẹ hơn so với vụ xuân năm 2018.


Hiện nay, rầy là đối tượng quan tâm chính của địa phương bởi theo điều tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, Bình Nguyên là một trong hai xã của huyện có tỷ lệ rầy cao, mật độ trung bình 300 - 500 con/m2, nơi cao 1.000 - 1.500 con/m2, cá biệt có nơi 2.000 con/m2. Dự báo từ nay đến cuối vụ, rầy lứa 2, 3 nở rộ, nguy cơ gây hại là rất lớn. Để phòng tránh bệnh lùn sọc đen quay trở lại, ngay từ đầu vụ, HTX đã khuyến cáo người dân áp dụng đồng loạt các biện pháp phòng, trừ rầy: xử lý từ khâu ngâm ủ mộng, phun trừ trên mạ... nhưng qua điều tra số hộ thực hiện đúng theo khuyến cáo rất ít. Ngoài những đối tượng sâu bệnh hại chính nêu trên còn có sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, bạc lá đốm sọc vi khuẩn, chuột... gây hại cục bộ từ nay đến cuối vụ.


Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra ở vụ xuân năm 2019, cấp ủy, chính quyền xã đã bám sát định hướng của ngành Nông nghiệp, chỉ đạo HTX tích cực tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh về tình hình sâu bệnh, các loại thuốc đặc hiệu áp dụng với từng loại sâu bệnh để người dân nắm bắt kịp thời, chủ động phòng, trừ. Đối với rầy, diện tích nhiễm rầy cần được cung cấp đủ nước nhằm hạn chế tốc độ thiệt hại, đáp ứng nhu cầu về nước của cây lúa và công tác xử lý rầy. Sử dụng thuốc nội hấp, lưu dẫn trong danh mục cho phép phun trừ khi mật độ đạt trên 700 con/m2. Cùng với cán bộ ngành Nông nghiệp, HTX cũng phân công cán bộ thường xuyên thăm đồng, nắm chắc diễn biến của sâu bệnh để có những chỉ đạo cụ thể. Do thời tiết ấm, lúa sinh trưởng và phát triển nhanh, HTX khuyến cáo nông dân bón tăng lượng kali, chỉ đạo các tổ nông giang điều tiết nước, giữ nước trên đồng để thuận lợi cho lúa làm đòng, trỗ bông và nâng cao hiệu quả phòng, trừ sâu bệnh.


Phòng, trừ sâu bệnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của vụ lúa xuân là nhiệm vụ cấp bách, hết sức quan trọng trong thời gian này. Dự báo từ nay đến khi thu hoạch lúa sâu bệnh còn diễn biến phức tạp, vì thế cần sát sao hơn nữa trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra từng diện tích lúa, phát hiện sớm các loại sâu bệnh mới phát sinh để có biện pháp phòng, trừ kịp thời; đồng thời, khuyến cáo mỗi hộ nông dân cần đầu tư chăm sóc, mua phân bón, thuốc trừ sâu bảo đảm cung cấp dinh dưỡng và phòng ngừa có hiệu quả sâu bệnh hại lúa; phát hiện sớm các loại sâu bệnh và phòng, trừ kịp thời, hiệu quả, không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày