Đông Hưng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng
Nguyên Xá là xã đầu tiên của huyện Đông Hưng đưa máy cấy mạ khay vào đồng ruộng, dẫn đầu huyện về diện tích cấy máy mạ khay.
Ông Vũ Ngọc Khanh, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Để giải quyết bài toán thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2015 Nguyên Xá đã ứng dụng máy cấy mạ khay vào sản xuất. Ban đầu chỉ có 2 máy cấy của HTX, một vụ cấy được khoảng 50ha, nhưng đến giờ do tiện lợi và hiệu quả cao nên nhiều gia đình tự mua máy về để phục vụ gia đình và cấy thuê cho các hộ khác. Số máy cấy mạ khay của toàn xã đã tăng lên 25 máy cấy, mỗi vụ cấy được 220ha (chiếm 83% tổng diện tích gieo cấy).
Ông Nguyễn Bá Hiền, thôn Đông Khê, xã Nguyên Xá cho biết: Cấy máy mạ khay giảm rất nhiều công lao động bởi một người cấy máy có thể cấy được vài mẫu/ngày, còn cấy tay chỉ được 1 - 1,5 sào/ngày; giảm 30% lượng giống so với cấy tay; cả công cấy, giống và gieo mạ chỉ mất 250.000 đồng/sào trong khi cấy tay vừa tự phải mua giống, tự gieo mạ vẫn mất tới 250.000 - 300.000 đồng/sào.
Vì cấy máy nhanh nên bảo đảm khung thời vụ. Vì có nhiều ưu điểm nên gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Đông Khê, xã Nguyên Xá ngay từ khi có máy cấy mạ khay đã thuê để cấy.
Chị Hằng chia sẻ: Gia đình cấy 4 sào thì 3 sào cấy máy, 1 sào trũng máy không xuống được thì áp dụng cấy theo phương thức cải tiến SRI (cấy mạ non, cấy thưa, sử dụng phân hữu cơ và bón phân cân đối). Từ khi áp dụng cấy máy, nông dân chúng tôi rất nhàn, chỉ việc ra chỉ ruộng cho chủ máy cấy và nhận ruộng khi họ cấy xong, cũng không phải vất vả gieo, chăm sóc, nhổ mạ như cấy bằng tay. Tiền công cấy cũng rẻ hơn cấy tay truyền thống.
Nông dân xã Đông Động (Đông Hưng) áp dụng phương thức cấy cải tiến SRI.
Vụ mùa này, xã Đông Động phấn đấu cấy 190,7ha xong trước ngày 20/7. Giống như các địa phương khác, bà con nông dân trong xã cũng tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Vụ mùa, thời vụ ngắn, thời tiết nắng nóng bất lợi cho bà con gieo cấy lúa song đến nay cánh đồng của Đông Động cơ bản đã được phủ màu xanh của lúa, vì có sức máy thay sức người.
Chị Vũ Thị Ngà, thôn Lam Điền, xã Đông Động cho biết: Từ lâu gia đình đã thuê máy cấy mạ khay để cấy nhanh, đỡ vất vả. Cấy máy thưa hàng, mạ non nên lúa đẻ nhánh khỏe, khi bông to gặp bão gió lúa không bị đổ, sâu bệnh ít... lại giảm công cấy, giảm lượng giống. Muốn cấy máy phải làm mạ khay. Hiện các chủ máy cấy lại đang thiếu nhân lực và mặt bằng để làm mạ khay nên nhiều gia đình muốn đăng ký cấy máy mà không được. Giải pháp khác được bà con nông dân lựa chọn mang lại hiệu quả không kém cấy máy là cấy theo phương thức SRI, hàng rộng hàng hẹp, cấy thưa... Và để tránh nắng nóng, bảo đảm sức khỏe, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, bà con tranh thủ ra đồng nhổ mạ cấy lúa vào sáng sớm, cấy đêm.
Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Bến Hòa, xã Đông Động cho biết: Gia đình cấy trên 2 mẫu ruộng, những diện tích nào ở vàn cao thì tôi thuê máy cấy còn diện tích nào trũng thì tôi cấy hàng thưa. Cấy máy mình không phải làm gì, gieo mạ, chuyển mạ ra ruộng chủ máy cấy làm tất, giá lại rẻ hơn thuê cấy tay trên 100.000 đồng/sào. Cấy hàng thưa, một người cấy được 1,5 - 2 sào/ngày (nhanh hơn cấy truyền thống 0,5 - 1 sào/ngày), giống cũng ít hơn, năng suất cao hơn. Để tránh nắng nóng, tôi tranh thủ cấy sáng sớm và ban đêm. Đến giờ, toàn bộ diện tích của gia đình đã được cấy xong.
Ông Phạm Thanh Niên, Chủ tịch UBND xã Đông Động cho biết: Nhiều vụ qua, phương thức gieo cấy SRI, hàng rộng hàng hẹp, “3 tăng, 3 giảm”, đặc biệt là cấy máy mạ khay đã được bà con nông dân trong xã tiếp thu, ứng dụng trong sản xuất lúa. Hiện, toàn xã có 2 máy cấy mạ khay, mỗi vụ cấy được trên 30ha. Hầu hết diện tích còn lại bà con cấy theo phương thức cải tiến.
Không chỉ có Nguyên Xá, Đông Động mà nhiều xã khác của huyện Đông Hưng bà con nông dân đã chủ động mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy, bằng phương pháp cấy tiên tiến, tích tụ ruộng đất đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa hàng hóa. Vụ mùa này, Đông Hưng phấn đấu gieo cấy 11.503ha, khuyến khích nông dân áp dụng phương thức gieo cấy hàng rộng hàng hẹp, gieo mạ khay cấy bằng máy, canh tác cải tiến SRI để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Hiện toàn huyện đã có trên 3.000ha lúa được cấy bằng máy, cấy hàng rộng hàng hẹp.
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương