Định hướng phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao
Với diện tích, sản lượng lúa gạo đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng, tuy nhiên, mỗi héc-ta lúa ở Thái Bình chỉ cho thu lãi từ 30 - 32 triệu đồng (khi năng suất đạt kịch trần). Canh tác lúa nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung vẫn theo lối mòn truyền thống, chủ yếu giải quyết dư thừa lao động, lấy công làm lãi, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để giảm công lao động. Sản xuất manh mún, tư duy sản xuất còn chú trọng đến số lượng, chưa quan tâm đến việc đầu tư chất lượng để tạo dựng thương hiệu và đưa được những sản phẩm nông nghiệp ra thị trường quốc tế. Trong khi đó, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, Thái Bình có ưu thế lớn trong phát triển trồng trọt nói chung và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển của các loại cây ăn quả nhiệt đới nói riêng như chuối, mít, ổi, hồng xiêm, táo... Một số loại cây ăn quả truyền thống ở địa phương được nông dân chú trọng bảo tồn và phát triển.
Theo Niên giám thống kê năm 2018, diện tích cây ăn quả của tỉnh là 5.780ha, chiếm 75,73% diện tích cây lâu năm và chiếm 6,22% diện tích đất nông nghiệp. Chất lượng sản phẩm không cao, thị trường không ổn định vì vậy giá trị sản xuất trồng trọt đối với cây hàng năm mới chỉ đạt khoảng 80 - 120 triệu đồng/ha. Sản xuất cây ăn quả chủ yếu cung cấp nhu cầu sử dụng sản phẩm tươi nội tỉnh; còn manh mún, phân tán, đầu tư thâm canh thấp; công tác quản lý và sản xuất giống còn bất cập.
Trước tình trạng phong trào sản xuất cây màu đi xuống, nông dân bỏ ruộng không canh tác đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều; Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, có hành lang pháp lý phân định rõ cấp quản lý, giúp nông dân và các địa phương chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả có quy hoạch một cách bền vững. Vì vậy, chủ trương giảm diện tích cấy lúa kém hiệu quả, chuyển đổi sang các cây trồng khác, đặc biệt là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trên cơ sở thực hiện chuyển đổi linh hoạt để khi cần có thể chuyển sang trồng lúa ngay và chỉ chuyển đổi khi đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước khi chuyển đổi được xem là lời giải nhằm nâng cao giá trị kinh tế.
Đề án phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo xác định vùng phát triển cây ăn quả tập trung vào khu vực đất bãi ven sông, vùng trồng lúa khó khăn về nước tưới cần chuyển đổi, vùng có tầng đất sét dầy, với nhóm cây được xem là có lợi thế của tỉnh như: bưởi Diễn, chuối, táo, ổi, hồng xiêm, mít, na Thái cho thu nhập cao từ 100 - 500 triệu đồng/ha. Trong đó đầu tư hình thành 4 vùng cây ăn quả đặc sản tập trung với diện tích mỗi vùng quy mô từ 50 - 100ha trở lên: vùng cây mít tại các huyện Đông Hưng, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, thành phố Thái Bình; vùng cây hồng xiêm tại huyện Đông Hưng; vùng cây táo, na Thái tại Tiền Hải, Thái Thụy; vùng ổi tại thành phố Thái Bình và các huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Vũ Thư.
Vùng trồng cây ăn quả của anh Bùi Đình Hiếu, xã Hồng An (Hưng Hà). Ảnh: Minh Hương
Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Một số ít mô hình trồng cây ăn quả quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã áp dụng kỹ thuật canh tác mới như: trồng mật độ cao để tận dụng đất đai trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, cắt tỉa, tạo hình, tạo tán, tiện vỏ, bón phân hữu cơ, bẫy bả pheromone, bao túi để chống sâu bệnh... Tuy nhiên, cơ bản nông dân trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đến kỹ thuật trồng cây ăn quả, chỉ đầu tư trồng cây nhưng không tập trung chăm sóc, bón phân, tỉa cành, vì vậy năng suất không ổn định, hiệu quả kinh tế thấp. Để việc phát triển cây ăn quả bền vững, hiệu quả cao thì công tác tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cho các vùng trồng và thâm canh cây ăn quả tập trung, những nông dân điển hình là các hộ có diện tích vườn cây ăn quả rộng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, công tác đầu tư, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm bằng việc tham gia các hội chợ, tổ chức diễn đàn trao đổi kinh nghiệm sản xuất... cần được quan tâm.
Ông Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao thay thế cho cây lúa là xu thế tất yếu trong bối cảnh dư thừa lương thực, giá trị sản xuất thấp như hiện nay. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần phải có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ, xây dựng lộ trình, làm mô hình chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó làm cơ sở để nhân rộng, lựa chọn những cây trồng phù hợp để chuyển đổi cho từng địa phương.
Ngân Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm 15.08.2023 | 15:45 PM
Xem tin theo ngày
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương