Thứ 4, 27/11/2024, 19:22[GMT+7]

Lan tỏa những mô hình khuyến nông hiệu quả

Thứ 5, 31/10/2019 | 08:46:21
2,956 lượt xem
Nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn, đa dạng hóa các loại cây trồng, con vật nuôi nhằm hình thành và lan tỏa những phương thức sản xuất tiến bộ, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Đồng thời, giúp người dân các địa phương tiếp cận phương pháp phát triển sản xuất theo định hướng thị trường.

Mô hình nuôi vịt biển 15 - Đại Xuyên theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Tiền Hải.

LP5 là một trong những giống lúa được Trung tâm Khuyến nông Thái Bình giới thiệu ở vụ mùa năm 2019 thông qua mô hình trình diễn tại xã Hòa Bình (Kiến Xương). Đây là giống lúa thuần, chất lượng cao, thuộc nhóm ngắn ngày, cơm mềm, dai đậm, được người dân đánh giá cao. Giống lúa này được kỳ vọng sẽ thay thế giống Bắc thơm 7 khi cho năng suất cao hơn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Ông Lương Văn Phụng, thôn Trung Hòa, xã Hòa Bình cho biết: Đối với người nông dân chúng tôi thì chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc và năng suất cuối vụ là những yếu tố quan trọng hơn cả. Giống lúa mới này hơn hẳn các giống mà tôi thường cấy, năng suất cao hơn, chi phí sản xuất giảm do giảm được số lần phun thuốc, cả vụ tôi chỉ phải phun phòng có 1 lần. Tính ra hiệu quả kinh tế chắc chắn sẽ cao hơn các giống cũ.

Với công thức luân canh từ 3 - 4 vụ/năm, tập trung vào các cây trồng chính như dưa hấu, dưa lê, củ đậu, khoai tây, gần 60ha vùng chuyên màu của xã An Ninh (Tiền Hải) mang lại thu nhập cao cho người dân khi tự sản xuất, tự tiêu thụ. Xuất phát từ thực tế đó, vụ xuân hè năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình thực hiện mô hình sản xuất dưa hấu sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh và màng phủ nông nghiệp, quy mô 25ha tại xã An Ninh nhằm thay đổi thói quen canh tác, mở rộng diện tích sử dụng phân vi sinh để tạo sản phẩm sạch, hướng tới phát triển ngành trồng trọt theo hướng bền vững. Kết quả mô hình, dưa sinh trưởng, phát triển tốt, bộ lá dày, bền, ít bị sâu bệnh hơn ruộng đối chứng. Năng suất trung bình đạt gần 1,5 tấn/sào, cao hơn ruộng đối chứng không sử dụng phân vi sinh 138kg/sào. Theo những nông dân tham gia mô hình, dưa hấu được trồng kết hợp giữa phân hữu cơ và phân vi sinh bền dây, thời gian thu hoạch kéo dài; đất được cải tạo nên tiết kiệm phân bón cho vụ kế tiếp, vì vậy nhiều hộ dân sẽ áp dụng cho những năm sau.

Giống lúa LP5 tại mô hình trình diễn triển khai ở xã Hòa Bình (Kiến Xương) được người dân đánh giá cao.

Thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và một số đơn vị, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã triển khai thực hiện 14 mô hình chăn nuôi, thủy sản, trong đó nhiều mô hình đã được tổng kết, các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng, hiệu quả đều đạt và vượt dự kiến ban đầu, lợi nhuận cao hơn so với sản xuất đại trà và đang được nhân rộng trong nhân dân như: mô hình chăn nuôi vịt biển 15 - Đại Xuyên, mô hình nuôi thỏ an toàn sinh học theo chuỗi liên kết, chăn nuôi gà an toàn sinh học quy mô 10.000 con... 39 mô hình trình diễn và 16 mô hình khảo nghiệm sản xuất các giống lúa mới được triển khai ở vụ xuân, vụ mùa. Công tác khảo nghiệm được duy trì, tập trung vào các cây trồng chủ lực: lúa (355 giống), ngô (93 giống), đậu tương (13 giống), lạc (9 giống), khoai tây (4 giống). Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất cũng được Trung tâm triển khai: trồng 300 cây nho hạ đen theo hướng hữu cơ áp dụng hệ thống tưới thông minh, trồng hoa áp dụng công nghệ tưới tự động thông minh quy mô 3.500 chậu tại xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình)... Trong đó, mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học giúp rơm rạ phân hủy nhanh, làm cho đất tơi xốp, tránh được hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho lúa được nhân rộng với quy mô 140ha tại 4 huyện: Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương.

Ngoài xây dựng những mô hình khuyến nông phù hợp với từng đối tượng người dân và từng địa phương, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình còn phối hợp tổ chức 6 lớp dạy nghề trồng cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, khuyến ngư; 68 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản nước ngọt, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi...

Thông qua các hoạt động đào tạo, xây dựng mô hình trình diễn, đưa tiến bộ khoa học công nghệ về với bà con nông dân đã góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị sản xuất cho người nông dân; giúp nông dân thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao. Những mô hình khuyến nông là đòn bẩy, góp phần lan tỏa tinh thần hăng say sản xuất, khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ cao, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.

Ngân Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày