Thứ 4, 27/11/2024, 21:20[GMT+7]

Biến đất thành “vàng”

Thứ 6, 01/11/2019 | 19:28:30
522 lượt xem
Trong khi một bộ phận nông dân không thiết tha với đồng ruộng thì ở Hưng Hà có những nông dân biến đất thành “vàng” từ tích tụ ruộng đất.

Nông dân thôn Khánh Lai, xã Tây Đô (Hưng Hà) nâng cao thu nhập từ cây khoai lang.

Cánh đồng thôn Đồng Lạc, xã Minh Khai từng là nơi lý tưởng cho cỏ dại và chuột thì giờ đây, dưới bàn tay, khối óc và tinh thần dám nghĩ, dám làm của anh Phạm Minh Ngọc, một màu xanh ngút ngàn của cây ăn quả, trang trại nuôi bò 3B và nuôi chồn đang mang lại giá trị hàng tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2016, anh Ngọc nhận chuyển nhượng 2ha đất khó canh tác của nông dân chuyển sang trồng cỏ voi, xây dựng trang trại nuôi bò, trồng cây ăn quả, nuôi chim bồ câu, gà thương phẩm. Thời gian đầu chuyển đổi gặp không ít khó khăn, đồng ruộng xa khu dân cư, đi lại khó khăn, đất thùng vũng, gồ ghề, hoang hóa, ai nhìn cũng ngao ngán. Nhưng với ý chí quyết tâm, anh Ngọc đã thuê máy san phẳng mặt ruộng, tiến hành cải tạo đất, đầu tư kinh phí làm gần 500m đường bê tông ra trang trại. Đồng thời, đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố nuôi 80 con bò 3B, bò Úc và nuôi chồn. Đến nay, trang trại của anh tạo việc làm cho 8 - 10 lao động, thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người nhượng ruộng cho anh giờ lại được anh thuê làm nhân công. 

Chứng kiến thửa ruộng cấy lúa kém hiệu quả của gia đình giờ đã cho thu nhập tiền tỷ, bà Lê Thị Thiết, thôn Đồng Lạc, xã Minh Khai phấn khởi: Trước, đây là vùng đất bỏ hoang nhưng anh Ngọc đã chuyển đổi để trồng cỏ nuôi bò, bước đầu có thành công, chúng tôi mừng cho anh, vậy là bao năm vất vả  đã cho thu nhập.

Nông dân xã Dân Chủ (Hưng Hà) trồng dưa xuất khẩu.

Cùng với anh Phạm Minh Ngọc, anh Bùi Văn Vũ ở thôn Thọ Phú, xã Hồng Minh được coi là người tiên phong trong tích tụ ruộng đất của huyện Hưng Hà. Là Giám đốc HTX DVNN xã nên anh luôn trăn trở làm gì và làm như thế nào để không lãng phí đất sản xuất. Từ suy nghĩ đó, năm 2016 anh quyết định thuê 25ha ruộng của 614 hộ dân thuộc các thôn Minh Xuyên, Tịnh Xuyên, Tịnh Thủy, Cổ Trai chuyển sang thực hiện luân canh 2 vụ màu, 1 vụ lúa. Vụ màu anh trồng khoai tây, bắp cải, bí xanh, bí đỏ bán cho các siêu thị lớn; vụ lúa anh cấy lúa cao sản. Để giảm chi phí sản xuất và giảm sức lao động, anh đã đầu tư kinh phí làm kho lạnh, mua máy làm đất, máy phun thuốc sâu, thuốc cỏ, máy rắc phân. Tất cả đều cơ giới hóa. Đặc biệt, với vụ mùa này, anh cấy 50 mẫu giống lúa Đài thơm 8 theo công nghệ cao, không sử dụng phân bón hóa học, thu hoạch 2 tạ/sào, trừ chi phí anh thu lãi 200.000 đồng/sào, và với 50 mẫu lúa anh thu lãi 100 triệu đồng/vụ. Sau thu hoạch lúa, anh tập trung trồng cây vụ đông, ước tính mỗi sào cho thu nhập 1 triệu đồng/vụ.

Tích tụ ruộng đất, anh Bùi Văn Vũ không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, nhất là những lao động quá tuổi tham gia sản xuất tại các công ty, xí nghiệp.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Đến nay huyện có 26 xã, thị trấn thực hiện tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích gần 580ha, chiếm 5% diện tích đất canh tác toàn huyện, tập trung vào 476 cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất. Trong đó có trên 160 hộ gia đình, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất với quy mô từ 1ha trở lên. Các mô hình tích tụ ruộng đất đã bước đầu cho thu nhập và mang lại hiệu quả kinh tế cao và đã có những cánh đồng vàng trị giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ. Điển hình như mô hình thuê 27ha đất trồng cam của anh Nguyễn Công Yêu, xã Cộng Hòa; mô hình trồng bí xanh của anh Đỗ Gia Hưng, xã Chí Hòa... cho thu nhập bình quân từ 200 - 600 triệu đồng/năm. Có thể khẳng định, tích tụ ruộng đất là hướng đi đúng, trúng, đáp ứng lòng mong mỏi của người nông dân vùng đất cổ thuần nông.

Trang trại nuôi bò của gia đình anh Phạm Minh Ngọc.


Tích tụ ruộng đất là hướng đi tất yếu để hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Do vậy, trong đề án đổi mới cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025, chủ trương của huyện Hưng Hà là khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuê đất, mượn đất phát triển trồng trọt, chăn nuôi, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Với những cơ chế phù hợp, huyện Hưng Hà sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân, doanh nghiệp yên tâm thực hiện tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nông sản, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao thu nhập. Tích tụ ruộng đất chính là cơ hội để những nông dân biết làm ăn có thể vươn đến cuộc sống thịnh vượng hơn trên chính mảnh đất quê hương.


           Trúc Lành
(Đài TTTH Hưng Hà)
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày