Thứ 4, 27/11/2024, 21:21[GMT+7]

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả, bền vững (Kỳ 1)

Thứ 5, 07/11/2019 | 08:45:20
2,684 lượt xem
Tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đánh giá là đã có chuyển biến tích cực, nhiều HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển. Tuy nhiên, so với mục tiêu và yêu cầu phát triển kinh tế tập thể, HTX, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ để các HTX nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững hơn.

Sản xuất vụ đông tại xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Kỳ 1: “Làm mới” từ phía hợp tác xã

Nhờ vận dụng linh hoạt Luật Hợp tác xã năm 2012, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của địa phương. 

HTX DVNN xã Thụy Dương (Thái Thụy) có 1.546 hộ thành viên với 3.509 lao động; số cán bộ, nhân viên hoạt động trong bộ máy HTX là 39 người, trong đó có 8 cán bộ quản lý, điều hành chung. Căn cứ Luật Hợp tác xã năm 2012 và các chủ trương, chính sách về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể và thực tiễn tại địa phương, Hội đồng quản trị cùng cán bộ HTX xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh; phát huy tối đa những thuận lợi sẵn có, những cây trồng truyền thống (lúa, các loại cây rau màu...), đẩy mạnh phát triển sản xuất theo nhu cầu của thị trường; thực hiện liên kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm khoai tây, dưa chuột, salat, lúa sạch với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; liên kết trồng lúa giống với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed với diện tích 80ha tạo đầu ra sản phẩm lúa ổn định cho thành viên HTX. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa giống lúa cho năng suất cao vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP: BC15, TRR25, Bắc thơm số 7, nếp N87, 100%, cấy lúa bằng hiệu ứng đường biên và cấy thưa theo băng; đưa giống bò lai Sind có giá trị cao vào chăn nuôi; thực hiện chuyển đổi vùng đất chua, trũng để nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm và giống cây mới với diện tích hơn 20ha. Đặc biệt, HTX thực hiện ký hợp đồng dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa với các chủ máy cho toàn bộ diện tích gieo cấy lúa trong xã, giúp giảm chi phí đầu vào từ 20.000 - 30.000 đồng/sào, tiết kiệm gần 1 tỷ đồng/năm cho thành viên. 

Thu mua dưa gang xuất khẩu của HTX SXKD DVNN xã Vũ An (Kiến Xương).

Xác định các khâu dịch vụ kinh doanh là điều kiện quyết định cho kinh tế HTX trong nền kinh tế thị trường đồng thời cũng khẳng định sự đổi mới phương thức hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thành viên, trong những năm qua, HTX SXKD DVNN xã Bình Định (Kiến Xương) đã mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ của các dịch vụ. Hiện HTX hoạt động với 12 dịch vụ, trong đó bao tiêu sản phẩm cho thành viên là dịch vụ tiêu biểu, trở thành mô hình điểm của huyện. 

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX cho biết: Với diện tích bao tiêu sản phẩm ban đầu của HTX năm 2008 là 15ha với 80 hộ tham gia thì đến năm 2018 đã quy hoạch được 6 vùng cánh đồng mẫu với 300ha và 1.985 hộ tham gia, tổng sản lượng đã tiêu thụ trên 10.200 tấn, tăng giá trị sản phẩm cho thành viên lên 1,5 lần. HTX được công ty chi hỗ trợ kinh phí điều hành 350 đồng/kg nên có nguồn kinh phí khá lớn để tích lũy và đầu tư cho các dịch vụ khác phát triển. Dự kiến năm 2019 tiêu thụ trên 1.000 tấn lúa giống, lúa hàng hóa. Nắm bắt được nhu cầu của thành viên, nhiều dịch vụ mới được thành lập và kinh doanh có hiệu quả: dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ môi trường (thu gom và xử lý rác thải), dịch vụ máy nông nghiệp... Doanh thu các dịch vụ kinh doanh của HTX hàng năm có sự tăng trưởng, năm 2010 là 3,9 tỷ đồng, đến năm 2018 đạt 12,7 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi năm đạt từ 200 - 300 triệu đồng. 

Thu hoạch lúa mùa tại Thái Thụy.

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, toàn tỉnh hiện có 327 HTX nông nghiệp trong đó có 316 HTX SXKD DVNN tổng hợp, 3 HTX nuôi trồng thủy sản, 5 HTX chăn nuôi, 3 HTX trồng trọt. Ngoài ra, toàn tỉnh có 1 liên hiệp HTX, 130 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Hàng năm, các HTX nông nghiệp đều rà soát, phân loại, đánh giá hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tư vấn xây dựng phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ bảo đảm hiệu quả, xác định những lĩnh vực và sản phẩm tham gia hợp tác liên kết với các hộ thành viên và với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, bàn bạc thống nhất tại hội nghị thành viên để tổ chức thực hiện. Các HTX và các địa phương tạo điều kiện thu hút cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc lâu dài tại HTX nhằm bổ sung nhân lực quản lý có năng lực, bảo đảm thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh. Các HTX nông nghiệp tập trung nâng cao chất lượng phục vụ và phát triển quy mô các dịch vụ đang có cũng như phát triển thêm các dịch vụ mới, trong đó tập trung vào dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào và các loại dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Bình quân mỗi HTX thực hiện 4 - 5 khâu dịch vụ, nhiều HTX đã năng động mở rộng thêm các loại hình dịch vụ mới: tín dụng nội bộ, làm đất, môi trường... Doanh thu bình quân của một HTX ước đạt 1,4 tỷ đồng, lãi bình quân ước đạt 83 triệu đồng/HTX/năm. Kết quả phân loại HTX năm 2018 của Chi cục Phát triển nông thôn: 32 HTX xếp loại tốt, 231 HTX xếp loại khá, 55 HTX trung bình và 3 HTX xếp loại yếu. 

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh, trong lĩnh vực nông nghiệp, số HTX làm nhiều khâu dịch vụ, áp dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung... có xu hướng tăng lên. Đã xuất hiện một số mô hình HTX kiểu mới, sản xuất, chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi giá trị. Các HTX giải quyết nhiều việc làm cho người lao động góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gia tăng sự gắn kết cộng đồng; thu nhập của người lao động trong các HTX từng bước ổn định, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các thành viên. 

(còn nữa)

Ngân Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày