Thứ 2, 18/11/2024, 09:33[GMT+7]

Phân cấp quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi Mừng nhiều, lo cũng không ít

Thứ 6, 25/05/2012 | 15:41:16
1,717 lượt xem
Thực hiện các chỉ thị, quyết định của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý công trình thuỷ lợi cho cơ sở, năm 2007 các địa phương, đơn vị quản lý thuỷ nông đã triển khai thực hiện phân cấp toàn diện hệ thống trạm bơm điện theo quy mô vừa và nhỏ, cùng các công trình kèm theo hệ thống trạm bơm; năm 2009 phân cấp quản lý hệ thống sông trục; năm 2011, phân cấp các cống dưới đê quốc gia. Sau phân cấp cho thấy tất cả các công trình thuỷ lợi từ đầu mối đến mặt ruộng đều có chủ quản lý bảo đảm

Cống Tịnh Xuyên dưới đê Tả Trà Lý, thuộc xã Hồng Minh do Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi Hưng Hà quản lý đang được cải tạo, nâng cấp.

 Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mối lo ngại trong quá trình quản lý công trình thuỷ lợi ở cơ sở, do quá khả năng về năng lực, kinh phí, đùn đẩy trách nhiệm...đang tiềm ẩn cho tính hiệu quả về lâu dài.

Việc phân cấp quản lý trạm bơm và công trình sau trạm bơm được hai Công ty khai thác thuỷ lợi Bắc và Nam bàn giao cho các HTXDVNN ở 8/8 huyện, thành phố trực tiếp quản lý các trạm bơm tưới, tiêu, sông dẫn, kênh mương, các công trình xây đúc trên sông, kênh đi theo trạm bơm phục vụ cho một thôn, xã. Theo đó, các công ty thuỷ nông đã tổ chức bàn giao cho các HTXDVNN trực tiếp quản lý 285 trạm bơm điện; 742 km sông dẫn nước vào trạm bơm; 216 công trình cống đập nội đồng nhỏ trên kênh; 5.781 km kênh mương loại III cấp 1,2 sau trạm bơm...

Trong phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống sông trục, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thuỷ nông phối hợp với UBND các huyện hoàn thành cơ sở dữ liệu hệ thống sông trục chính, cấp I, II, đồng thời tổ chức bàn giao cho các công ty thuỷ nông, UBND các cấp và HTXDVNN năm 2009. Bộ cơ sở dữ liệu hiện trạng hệ thống sông trục gồm: Sông trục chính có 4 tuyến dài 167,73 km; sông trục cấp I có 46 tuyến, dài 415,6 km; sông trục cấp II có 279 tuyến, dài 971,8 km; cấp III có 1.154 tuyến, dài 1.265 km. Qua đây đã phân định rõ được trách nhiệm quản lý Nhà nước trong khai thác, bảo vệ hệ thống sông trục giữa Sở Nông nghiệp & PTNT và UBND các huyện, thành phố, phường, xã, thị trấn; trách nhiệm quản lý, khai thác hệ thống sông trục giữa Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Nam, Bắc và các HTXDVNN...

Sau khi phân cấp quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi, hiệu quả bước đầu đã được thể hiện rất rõ trên từng lĩnh vực, nâng cao trách nhiệm của người trực tiếp hưởng lợi từ dịch vụ nước, nhất là bà con nông dân. Các địa phương đã chủ động được việc điều hành phân phối nước tưới, tiêu theo tiến độ gieo cấy của từng vụ, từng xứ đồng và nhóm cây trồng.

Trong giải phóng dòng chảy đã xuất hiện nhiều hình thức khoán có hiệu quả cho cả doanh nghiệp thuỷ nông và các HTX, như HTXDVNN xã Thụy Dân (Thái Thụy) hợp đồng với ông Nguyễn Thành Ngân khơi thông dòng chảy trên địa bàn xã, với mức khoán 0,286 kg thóc/m sông/ năm. Hay như hệ thống sông trục cấp I, II sau khi giao cho các cụm, trạm thuỷ nông, các cụm trạm đã tổ chức giao khoán cho công nhân quản lý từng đoạn sông cụ thể; sông trục chính là sông lớn, tập trung nhiều bèo bồng, các công ty thuỷ nông cũng đã bố trí kinh phí để thuê khoán giải phóng dòng chảy tại các điểm ách tắc.

Ngoài ra, việc phân cấp còn xã hội hoá được việc quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thuỷ nông, đồng thời tăng cường khả năng huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân sử dụng nước để nâng cấp, cải tạo hệ thống công trình. Đối với hệ thống cống dưới đê quốc gia, sau khi bàn giao cho các công ty thuỷ nông quản lý đều bảo đảm an toàn trong các mùa lũ, bão.

Đặc biệt sau phân cấp, hiệu quả kinh tế đã thể hiện rõ nét trong việc điều hành nước thông qua giảm lượng điện năng tiêu thụ và tăng số lượng điện năng trong giờ thấp điểm. Trước phân cấp, giai đoạn 2004 - 2006 điện năng tiêu thụ ở 3 vụ xuân, mùa, đông bình quân toàn tỉnh  là 20.010.406 kW/ năm. Sau phân cấp, điện năng tiêu thụ đã giảm và đáp ứng được tưới, tiêu cho cả 3 vụ, giai đoạn 2008 – 2011 bình quân là 19.240.847 KW/ năm. Thực tế cho thấy từ năm 2008 đến nay, mặc dù nước nguồn xuống thấp, mặn xâm nhập sâu, diện tích vụ đông tăng, nhưng lượng điện tiêu thụ đã giảm khoảng 770 nghìn kW; đồng thời lượng điện tiêu thụ trong giờ thấp điểm chiếm tới 40%.

            Hiệu quả sau phân cấp đã rõ, song trong quá trình vận hành các công trình ngày càng xuống cấp, nhưng không có nguồn lực để tu bổ sửa chữa, nâng cấp; đồng thời việc phân cấp một số hạng mục còn vượt quá quy định. Cụ thể, theo tiêu chí thì chỉ phân cấp cho HTX quản lý những trạm bơm vừa và nhỏ nằm gọn trong một thôn, một xã, nhưng khi phân cấp, nhiều trạm bơm liên xã cũng được chuyển giao, kể cả những trạm bơm liên xã tiêu qua đê.

Những trạm bơm này các HTX quản lý không tốt dẫn đến mâu thuẫn trong điều hành nước tưới, tiêu, đồng thời thiếu nguồn lực tu bổ nên công trình xuống cấp càng nhanh. Theo báo cáo sơ bộ của Sở Nông nghiệp & PTNT, hệ thống thuỷ lợi Bắc hiện có 9 trạm bơm cần phải bàn giao lại cho Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc quản lý và nhiều cống, đập nội đồng vượt quá khả năng quản lý của địa phương.  Nhiều HTXDVNN chưa quan tâm giải phóng dòng chảy, hoặc chưa có cơ chế khoán quản lâu dài, thường tập trung ra quân, thuê khoán theo từng đợt, vì vậy nhiều tuyến sông cấp II, kênh mặt ruộng bị ách tắc.

Các xí nghiệp thuỷ nông đã giao khoán cho công nhân quản lý các sông trục cấp I, II nhưng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của từng cá nhân được giao quản lý. Tình trạng cá nhân, đơn vị xâm phạm công trình thuỷ lợi, nhất là trên các sông trục đang có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, tính đến năm 2011, hệ thống thuỷ lợi Bắc có 685 điểm vi phạm, trong đó phát sinh mới 22 điểm; hệ thống thuỷ lợi Nam có 376 điểm vi phạm, trong đó phát sinh mới 93 điểm. Mặc dù các đơn vị thuỷ nông đã lập biên bản và làm việc với chính quyền địa phương đề nghị xử lý, nhưng cơ bản vẫn không xử lý được các chủ thể vi phạm.

            Để phát huy hiệu quả của hệ thống thuỷ lợi sau phân cấp, kể cả về điều hành tưới, tiêu và tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình, giải phóng dòng chảy...về lâu dài, Sở Nông nghiệp & PTNT đã có một số kiến nghị, đề xuất với Bộ Nông nghiệp & PTNT, UBND tỉnh điều chỉnh lại một số nội dung chưa hợp lý. Cụ thể, điều chỉnh chính sách thuỷ lợi phí để tăng nguồn thu cho các doanh nghiệp thuỷ nông và các HTXDVNN; đầu tư nguồn kinh phí tu bổ các cống dưới đê bàn giao từ các xã về hai công ty thuỷ nông Bắc, Nam; tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống công trình đầu mối...

Ngoài việc trên, Sở Nông nghiệp & PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh lại một số nội dung phân cấp quản lý hệ thống sông trục cấp II giữa UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp thuỷ nông. Theo đó, việc quản lý khai thác, lập phương án bảo vệ, bố trí và quản lý nguồn kinh phí nạo vét, tu bổ công trình, giải phóng, khơi thông dòng chảy cần giao cho các công ty thuỷ nông dưới sự chỉ đạo, thống nhất của Sở Nông nghiệp & PTNT. Đối với các huyện, thành phố, xã, thị trấn phải chủ động phát hiện và xử lý các vi phạm trong phạm vi khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi theo quy định của pháp luật và quy định trong Quyết định 772/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt đề án phân cấp quản lý hệ thống sông trục.

                                                                             Bài, ảnh: Nguyên Bình    

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày