Thứ 5, 28/11/2024, 01:35[GMT+7]

Chăn nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao

Thứ 2, 02/12/2019 | 08:39:04
1,221 lượt xem
Phát huy lợi thế của địa phương có vùng chuyển đổi ven sông Luộc, nhiều hộ dân của xã An Khê (Quỳnh Phụ) đã phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình chăn nuôi bò sinh sản và bò thương phẩm của gia đình ông Đỗ Văn Trường ở thôn Lộng Khê 5 cho thu nhập cao và ổn định.

Sau 3 năm chăn nuôi, từ 10 con bê cái đến nay đàn bò của gia đình ông Đỗ Văn Trường tăng lên 35 con.

Trước đây gia đình ông Trường cùng nhiều hộ dân khác ở thôn Lộng Khê 5 có diện tích canh tác tại bãi bồi ven sông Luộc chủ yếu cấy lúa và trồng các loại cây màu nhưng do đất trũng nên năng suất cây trồng không cao. Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xã có chủ trương chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi tập trung, ông Trường mạnh dạn tham gia và vay vốn đầu tư cải tạo đất đai, xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Trong 2 năm đầu (2014 - 2015), ông xây dựng chuồng trại để nuôi lợn thịt. Tuy nhiên, thời điểm này giá cả thị trường thay đổi thất thường, chi phí mua con giống, thức ăn chăn nuôi thì cao, đến kỳ lợn được xuất bán thì giá thành lại giảm nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với công sức ông bỏ ra. Nhận thấy chăn nuôi lợn đối mặt với nhiều rủi ro về nguy cơ dịch bệnh, giá cả bấp bênh nên ông đã chuyển sang nuôi bò là con vật nuôi có đầu ra ổn định, ít dịch bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trường cho biết: Tận dụng lợi thế của địa phương là xã duyên giang, diện tích đất trồng lúa và đất chuyên màu lớn nên nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp dồi dào, phù hợp làm thức ăn chăn nuôi cho bò. Năm 2016, tôi cải tạo lại chuồng trại, mua 10 con bê cái giống lai Zebu về nuôi để gây giống. Với diện tích trang trại rộng hơn 2 mẫu, tôi xây dựng dãy chuồng rộng gần 150m2, sân chơi cho bò rộng 400m2, diện tích còn lại để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Với hình thức chăn nuôi bò cái sinh sản, bê con sinh ra nếu là bê cái được giữ lại làm giống còn bê đực sẽ nuôi vỗ béo thành bò thương phẩm để bán. Sau khi sinh ra, mỗi con bê cái nuôi khoảng 1,5 năm thì bắt đầu sinh sản, còn bê đực nuôi tầm 6 tháng sẽ đạt hơn 1,5 tạ/con bán cho thương lái với giá 12 triệu đồng/con, nuôi tầm 1 năm sẽ đạt hơn 2 tạ/con bán với giá 20 triệu đồng/con. Thức ăn chủ yếu cho bò là cỏ voi VA06 và cỏ sả lá to, ngoài ra còn bổ sung thêm các thức ăn khác như cám hỗn hợp, thân cây ngô, ngọn mía, dây khoai, rơm, rạ, rau củ quả. Sau 3 năm chăn nuôi (2016 - 2019), đến nay đàn bò đã tăng lên 35 con, trong đó có 17 con bò sinh sản, còn lại là bò thịt. Sau khi trừ hết chi phí đầu tư ban đầu, bình quân mỗi năm gia đình thu lãi 130 triệu đồng từ chăn nuôi bò.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi bò, ông Trường cho biết: Để đàn bò phát triển tốt, trong quá trình chăn nuôi, tôi đặc biệt chú trọng công tác chăm sóc bảo đảm theo đúng quy trình kỹ thuật; tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng mà có chế độ dinh dưỡng cho phù hợp; thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để hạn chế mầm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn bò cũng như ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; chú trọng công tác phòng bệnh, định kỳ tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng và bệnh tụ huyết trùng cho đàn bò. Hiện tại gia đình tôi đang sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi, qua đó đã giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường; tiết kiệm chi phí, giảm công lao động; đàn bò nuôi trong môi trường bảo đảm nên sinh trưởng thuận lợi; chất thải trong chăn nuôi sau khi được xử lý trở thành phân bón hữu cơ an toàn cho cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường.

Dự định trong thời gian tới ông Trường sẽ tiếp tục đầu tư phát triển đàn bò với số lượng lớn hơn để khai thác, tận dụng thế mạnh của địa phương trong phát triển chăn nuôi đại gia súc.


Thanh Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày