Thứ 5, 28/11/2024, 03:41[GMT+7]

Mô hình chuyển đổi chăn nuôi hiệu quả

Thứ 5, 19/12/2019 | 16:31:09
1,767 lượt xem
Vừa qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm điêu đứng nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh. Nhưng với sự nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, không ít người đã chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng và thành công theo hướng đi mới. Điển hình là gia trại nuôi gà đẻ của ông Đặng Thanh Tùng, thôn Đa Phú 2, xã Thống Nhất (Hưng Hà).

Gia trại của ông Tùng cho hiệu quả kinh tế cao.

Rời quân ngũ tháng 8/1984, trở về vùng quê chuyên canh nông nghiệp, với 3 sào ruộng trũng khó canh tác, ông Tùng đã phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, vượt khó vươn lên. Trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, ông đã trải qua nhiều nghề khác nhau nhưng cuối cùng nhận thấy việc đầu tư chăn nuôi ngay trên mảnh đất quê hương sẽ đem lại hiệu quả.

Bắt tay vào phát triển gia trại với đồng vốn ít ỏi, lấy ngắn nuôi dài, ông Tùng đầu tư nuôi hai lợn nái, một đàn lợn thịt và vài trăm con gà, vịt. Tiền bán gà thịt quay vòng mua cám nuôi lợn, giống lợn tự cung nên lãi cao hơn. Từ những đồng vốn vay ban đầu, ông đã có lãi để mở rộng quy mô trang trại của mình, phát triển đàn lợn quy mô tương đối lớn. Nhưng những năm gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm điêu đứng các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn. Gia trại của ông Tùng cũng thiệt hại không nhỏ. Nhận thấy việc tái đàn chưa an toàn và mức rủi ro cao, ông đã mạnh dạn chuyển sang nuôi gà đẻ. Đến nay gia trại của ông có trên 3.000 gà đẻ, mỗi ngày cho từ 1.500 - 1.800 quả trứng, giá bán 2.500 đồng/quả. Trừ chi phí mỗi tháng ông lãi ròng trên 30 triệu đồng.

Ông Tùng cho biết: Nuôi gà đẻ tuy đơn giản nhưng phải là người chịu khó, cần cù thì mới thành công. Đặc biệt, khi bắt gà giống về thả nuôi là phải tiêm phòng ngay các bệnh cúm gia cầm, tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn... và thường xuyên phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Khi gà lớn vẫn cần phải tiêm phòng dịch bệnh bởi giống gia cầm rất dễ lây nhiễm bệnh cúm, thương hàn hoặc viêm phổi, ỉa chảy... Trong giai đoạn gà đẻ trứng cần cung cấp đủ dinh dưỡng và thức ăn để gà mẹ không bị ốm. Trong đó, chú trọng nguyên tố vi lượng và vitamin trong khẩu phần thức ăn của gà đẻ trứng. Ngoài ra, chuồng trại cũng là khâu quan trọng trong kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng như cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khử trùng, tiêu độc định kỳ. Chuồng trại cần độn đầy đủ chất độn chuồng bằng trấu, hoặc rơm khô cắt ngắn 5cm,  hoặc mùn cưa rải dày 10 - 15cm. Bóng điện cần công suất khoảng 75 - 100W, cách đất khoảng 150cm. Nguồn nhiệt sưởi mùa lạnh có thể dùng bếp than, bếp trấu nhưng phải có hệ thống để dẫn khí CO2 ra ngoài chuồng.

Ông Tạ Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, thiệt hại của bà con là rất lớn song bà con đã rất nhạy bén chuyển đổi đàn vật nuôi. Điển hình như gia trại của ông Đặng Thanh Tùng, sau một thời gian gắn bó với nghề nuôi gà, nhờ chịu khó, ham học hỏi và say mê ông đã trở thành một trong những hộ chăn nuôi tiêu biểu của xã. Ngoài ra, ông còn tích cực vận động và hỗ trợ cho các hộ nông dân khác trên địa bàn xã cùng phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, ở làng Đa Phú đã có câu lạc bộ nông trang Đa Phú, có 10 hộ chăn nuôi gà với tổng đàn trên 3 vạn con, chủ yếu cung cấp gà thịt và trứng cho thị trường khu vực Đông Bắc. Các thành viên trong câu lạc bộ luôn có sự hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tạo mối liên kết chặt chẽ để bảo đảm ổn định đầu ra sản phẩm. Nhờ đó, cũng như gia đình ông Tùng, đến nay hầu hết các thành viên của câu lạc bộ nông trang Đa Phú đều có kinh tế rất vững, nhiều hộ vươn lên trở thành hộ giàu.

Xuân Sinh

(Hưng Hà)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày