Thứ 5, 28/11/2024, 05:45[GMT+7]

Kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn của ông Trị

Thứ 2, 30/12/2019 | 09:14:40
6,163 lượt xem
Bệnh dịch tả lợn châu Phi “càn quét” hầu hết các hộ, trang trại, gia trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Vũ Thư nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Mặc dù chăn nuôi với quy mô hàng trăm con lợn mỗi lứa nhưng đến thời điểm này đàn lợn của gia đình ông Hoàng Văn Trị ở thôn Trà Khê, xã Tân Lập (Vũ Thư) vẫn khỏe mạnh, an toàn - là một trong số ít cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Vũ Thư không có lợn bị chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thay vì sử dụng cám công nghiệp hoàn toàn như nhiều hộ chăn nuôi khác, ông Trị thường xuyên cho lợn ăn cây chuối và cám nấu giúp lợn dễ tiêu hóa, khỏe mạnh hơn.

Nhiều “chiêu” phòng dịch bệnh

Mặc dù cao điểm của đợt bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi đã qua lâu nhưng lối vào của gia đình ông Trị hàng ngày vẫn rải trắng vôi bột. Tại cổng vào gia trại, những chiếc chăn bông cũ trải kín mặt ngõ và lúc nào cũng được phun dung dịch tiêu độc, khử trùng, bất cứ người, phương tiện nào ra vào đều phải đi qua “lớp bảo vệ” chắc chắn này. Ông Trị cho biết: Trước, trong và sau đợt cao điểm bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình tôi đều nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa bệnh dịch xâm nhập. Hàng tuần tôi đều phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại từ 2 - 3 lần. Đợt bùng phát bệnh dịch, nhìn đàn lợn của các hộ chăn nuôi trong và ngoài xã chết, vợ chồng tôi lo lắng không yên. Tôi yêu cầu vợ tạm nghỉ việc bán thịt lợn tươi sống ở chợ, tạm hoãn sử dụng sản phẩm thịt lợn trong vài tháng để hạn chế tối đa nguồn vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào đàn lợn hơn 100 con của nhà mình. Thực hiện cách ly, hàng ngày chỉ một mình tôi ra vào khu chuồng trại chăn nuôi để chăm sóc đàn lợn. Tham gia các buổi tập huấn do huyện tổ chức, tôi được khuyến cáo, cảnh báo về việc nước máy, nước sông có thể gây lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi do một số hộ dân thiếu ý thức mang lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi vứt xuống sông. Tôi lập tức dừng sử dụng nước máy, chuyển sang dùng nước giếng khoan để sử dụng cho lợn ăn uống và vệ sinh chuồng trại. Tham khảo kinh nghiệm phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của nhiều hộ chăn nuôi khác, tôi đặc biệt chú trọng chăm sóc, nâng cao chất lượng dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho đàn lợn.

Thay vì cho ăn cám công nghiệp hoàn toàn, ông Trị nấu cám ngô, rau trộn với tỏi giã nát làm thức ăn chính cho lợn. Ông chấp nhận vất vả hơn trước để đi xin thân cây chuối tươi mang về thái nhỏ, trộn với chút muối hạt, định kỳ 2 lần/ngày cho lợn ăn. Theo phương pháp truyền thống cha ông để lại, mỗi buổi tối ông Trị đốt quả bồ kết để hơi bồ kết xông khắp khu chuồng trại. Ông cho rằng bồ kết giúp khử trùng môi trường và thông đường hô hấp cho đàn lợn. Gần một năm nay, từ khi bắt đầu xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Trị đều kiên trì thực hiện phòng bệnh dịch kỹ càng như vậy, mỗi lứa lợn tính ra mất thêm khoảng 30 triệu đồng cho công tác phòng bệnh dịch nhưng bù lại đàn lợn qua gần một năm bệnh dịch hoành hành vẫn an toàn, khỏe mạnh, chưa có con nào bị ốm, chết phải tiêu hủy.

Khi hỏi bí quyết, ông Trị cười thật thà: Tôi cũng không biết là do tôi thực hiện rất tỉ mỉ, kỹ càng trong khâu phòng bệnh dịch hay do gia đình tôi may mắn mà đàn lợn vẫn an toàn. Nhưng quả thật nhà tôi nuôi chuồng trại hở, không phải chuồng trại khép kín hiện đại, lại liền kề với nhiều hộ chăn nuôi xung quanh đều có lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy, riêng lợn của gia đình tôi vẫn khỏe mạnh, con nào con nấy hồng hào, chưa có con nào bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Đỗ Văn Thắng, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Tân Lập cho biết: Gia đình ông Trị nuôi lợn hàng chục năm nay. Chúng tôi nhận thấy không riêng đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi này mà qua một số đợt bệnh dịch bùng phát những năm trước như dịch tai xanh, lở mồm long móng trên đàn lợn, không ít hộ chăn nuôi ở xã Tân Lập bị thiệt hại nhưng lợn của gia đình ông Trị vẫn an toàn. Chúng tôi đánh giá cao ý thức chủ động và kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn lợn của gia đình ông Trị.

Thành quả khi đàn lợn an toàn

Nhờ đàn lợn 100% con an toàn vượt qua bệnh dịch tả lợn châu Phi, tháng 9 - 10/2019, gia đình ông Trị xuất chuồng 12,5 tấn thịt lợn hơi thu về gần 600 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn thu lãi hàng trăm triệu đồng. Sau khi xuất đàn lợn này, ông Trị tiếp tục đầu tư tái đàn, trong đó đặc biệt chú trọng khâu nhập giống lợn con an toàn từ trang trại lợn con không có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi và chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Khi lợn về đến chuồng, gia đình ông tiếp tục thực hiện chặt chẽ khâu phòng ngừa dịch và chăm sóc. Đến nay, đàn lợn hơn 100 con của gia đình ông đạt trọng lượng 70kg/con trở lên, dự kiến xuất bán đúng dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Ước tính sau 1 tháng nữa gia đình ông sẽ có khoảng 9 - 10 tấn thịt lợn hơi, và với giá thịt lợn như hiện nay ông Trị có thể thu về tiền tỷ.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày