Thứ 5, 28/11/2024, 09:43[GMT+7]

Chủ động ứng phó với dịch cúm gia cầm

Thứ 2, 17/02/2020 | 09:18:03
1,241 lượt xem
Trước tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát tại một số địa phương ở trong nước do chủng virus A/H5N1 và A/H5N6 gây ra, tỉnh Thái Bình đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Người chăn nuôi chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, bảo vệ đàn vật nuôi.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngăn chặn không để dịch bùng phát, lây lan. Trong đó, tập trung giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh trên gia cầm; hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, về tình hình dịch, bảo đảm vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm; không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá các hoạt động phòng, chống dịch ở các địa phương. Chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp do có tiền sử tiếp xúc với gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm. Chủ động nguồn nhân lực, vật lực phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm trên đàn gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Lý, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sau tết Nguyên đán, Chi cục đã tiến hành đánh giá nhanh tình hình chăn nuôi và tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn gia cầm. Tại thời điểm tháng 1/2020, tổng số đàn gia cầm toàn tỉnh có khoảng 14,35 triệu con. Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm tương đối ổn định, không phát sinh ổ dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, đây là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến bất lợi, thường xuyên có mưa phùn kéo dài, môi trường ẩm ướt khiến cho sức đề kháng của gia cầm giảm; mặt khác, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ nên tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao. Để chủ động phòng bệnh và kịp thời phát hiện, xử lý, khống chế sự bùng phát của dịch cúm gia cầm, Chi cục đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025; đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm tại các vùng có nguy cơ cao. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm, tăng cường quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia cầm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh cúm gia cầm và thực hiện nghiêm túc “5 không” trong phòng, chống dịch cúm gia cầm; thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Nhận thức được sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chủ động bảo vệ sức khỏe của gia đình và đàn vật nuôi. Ông Vũ Văn Đức ở thôn Hương Ngải, xã Bình Minh (Kiến Xương) cho biết: Tháng 7/2019, đàn gia cầm của một gia đình trong thôn bị nhiễm virus cúm A/H5N6 và phải tiêu hủy. Qua công tác tuyên truyền ở địa phương, tôi chú trọng tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm theo quy định; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi; đồng thời, thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho gia cầm, quản lý việc nuôi nhốt, không thả rông ngoài đồng.

Với việc chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, tỉnh Thái Bình sẽ bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, hạn chế thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày