Thứ 5, 28/11/2024, 11:36[GMT+7]

Mở rộng diện tích gieo mạ khay, cấy bằng máy

Thứ 4, 19/02/2020 | 09:05:16
4,761 lượt xem
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 76.500ha lúa, năng suất đạt 71,5 tạ/ha trở lên. Với chủ trương gieo cấy hết diện tích đất lúa trong khung thời vụ, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương mở rộng diện tích gieo mạ khay, cấy bằng máy, hạn chế tối đa việc gieo thẳng.

Nông dân xã Tân Phong (Vũ Thư) cấy máy bằng mạ khay.

Năm nay, gia đình ông Phạm Đình Thiệu, xã Phú Châu (Đông Hưng) tiếp tục thuê máy để cấy 7 sào ruộng. Qua 5 vụ thuê máy, ông Thiệu thấy cấy bằng máy mang lại nhiều lợi ích, nhất là trong bối cảnh lao động trong nông nghiệp đang ngày càng khan hiếm như hiện nay. Ông Thiệu cho biết: Con chúng tôi đều trưởng thành, có việc làm ổn định nên 7 sào ruộng chỉ còn hai ông bà già trông nom. Bỏ ruộng hoang thì không đành nhưng tìm người cấy thuê chật vật quá. Để cấy một sào ruộng bằng máy, tôi chỉ phải trả từ 220.000 - 250.000 đồng, gồm cả tiền mạ; còn nếu thuê người cấy, tôi phải mất 300.000 đồng tiền công cùng tiền mua thóc giống, nilon, công làm đất, gieo mạ, chăm sóc đến khi đưa mạ ra đồng.

Máy cấy được đưa vào tỉnh từ mấy năm trở lại đây, đến nay đã phát huy hiệu quả tích cực và ngày càng được nhiều người sử dụng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cấy lúa bằng máy giúp tăng năng suất lao động, cây lúa cứng cáp, không bị đổ, ít sâu bệnh nên giảm chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật..., hiệu quả cao hơn từ 20 - 30% so với cấy bằng tay. Để mở rộng diện tích cấy bằng máy, UBND tỉnh có những cơ chế, chính sách hỗ trợ; ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương chuyển giao kỹ thuật sản xuất mạ khay. Vụ xuân năm 2019, diện tích cấy bằng máy đạt 3.131ha, phấn đấu tăng diện tích này lên 10.000ha ở vụ xuân năm 2020.

Nông dân huyện Thái Thụy cấy lúa vụ xuân.

Những ngày này, trung tâm sản xuất mạ khay Kubota do anh Nguyễn Văn Công làm đại diện đang tất bật vận chuyển mạ tới khắp cánh đồng để phục vụ gieo cấy lúa xuân. Đây là trung tâm mạ khay đầu tiên của tỉnh được thành lập với mục đích thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa, giảm chi phí sản xuất, nhân công, nâng cao thu nhập cho nông dân. 

Anh Nguyễn Văn Công, đại diện trung tâm cho biết: Việc đưa máy cấy vào đồng ruộng gặp khó khăn hơn so với những loại máy khác bởi để vận hành máy cần cơ giới đồng bộ nhiều khâu, trong đó quan trọng nhất là gieo mạ khay, chi phí đầu tư cũng không nhỏ. Ý thức được tầm quan trọng của cơ giới hóa trong nông nghiệp và xác định việc sản xuất mạ khay gắn với cấy máy sẽ là một xu thế tất yếu nên mặc dù ban đầu cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng chúng tôi đã khắc phục khó khăn để cung ứng những khay mạ chất lượng cho bà con trong và ngoài tỉnh kịp cấy lúa trong khung thời vụ tốt nhất. Vụ xuân này, với 2 máy cấy dắt tay, 1 máy ngồi lái (6 hàng), trung tâm đảm nhận cấy 170 mẫu cả trong và ngoài tỉnh, sản xuất 32.000 khay mạ phục vụ người dân. Với mức giá 220.000 đồng/sào trọn gói từ gieo mạ, cấy, dặm tỉa mà chúng tôi đang áp dụng, tôi tin diện tích cấy máy sẽ mở rộng trong thời gian tới. Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân đầu tư cơ giới hóa khâu cấy lúa, mong rằng chúng tôi sẽ sớm tiếp cận được các cơ chế ấy để giảm bớt khó khăn, mở rộng hơn nữa diện tích nhà xưởng cũng như mua thêm máy, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Sản xuất mạ khay phục vụ cấy bằng máy tại trung tâm sản xuất mạ khay Kubota xã Thụy Phúc (Thái Thụy).

Do chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ gieo cấy như: công tác lấy nước, làm đất, chuẩn bị các vật tư nông nghiệp đầy đủ nên việc xuống đồng gieo cấy lúa xuân của nông dân trong tỉnh khá tập trung. Đến ngày 12/2, toàn tỉnh đã gieo cấy được khoảng 20.000ha. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tùy điều kiện cụ thể, mỗi địa phương nên lựa chọn 2 - 3 giống lúa chủ lực, 1 - 2 giống bổ sung trên cơ sở các giống được phép sản xuất, kinh doanh theo quy định của Nhà nước; ưu tiên chọn giống ngắn ngày, chất lượng phù hợp với thị trường tiêu thụ; sử dụng các giống có khả năng chống chịu khá với bệnh đạo ôn, bạc lá. Áp dụng triệt để các biện pháp canh tác lúa cải tiến SRI, 3 tăng 3 giảm, 1 phải 5 giảm, trong đó cần tập trung thực hiện các giải pháp canh tác lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày