Thứ 3, 19/11/2024, 14:25[GMT+7]

Tạo nền móng cho thương mại phát triển bền vững

Thứ 5, 30/04/2020 | 09:11:50
5,906 lượt xem
5 năm trở lại đây, giá trị thương mại, dịch vụ của tỉnh luôn đạt tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Có được những kết quả đó chính là nhờ chủ trương cơ cấu lại hoạt động lĩnh vực thương mại và nhiều chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng của tỉnh đã được triển khai.

Các siêu thị làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân.

Chợ, trung tâm thương mại và siêu thị là kênh lưu chuyển hàng hóa chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Xác định được yếu tố quan trọng đó, thời gian qua, Thái Bình đã chú trọng quy hoạch và đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống này nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển và góp phần đổi mới diện mạo đô thị, nông thôn. 

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Sau rà soát và quy hoạch lại hệ thống chợ dân sinh, toàn tỉnh còn 218 chợ, gồm 4 chợ hạng I, 38 chợ hạng II, 176 chợ hạng III. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa nguồn lực đầu tư, toàn bộ các chợ đều được quy hoạch, cải tạo, nâng cấp và xây mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tiểu thương và phục vụ mua sắm của nhân dân. Đến nay, có 14 chợ do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý và 184 chợ đạt chuẩn tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn hoạt động hiệu quả, tạo ra mạng lưới phân phối, lưu thông hàng hóa phục vụ nhân dân, thu hút hàng nghìn tiểu thương vào kinh doanh.

Song song với đầu tư cho loại hình kinh doanh thương mại truyền thống, tỉnh từng bước phát triển thương mại văn minh, hiện đại. Theo đó, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành chức năng và các huyện, thành phố xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Đã có 12 siêu thị và 1 trung tâm thương mại đạt chuẩn theo quy định được đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động góp phần làm thay đổi diện mạo cảnh quan đô thị, thay đổi thói quen mua sắm của người dân. Hiện nay, UBND tỉnh đã quy hoạch và đang triển khai kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và hội chợ triển lãm Tân Bình (thành phố Thái Bình) với quy mô 30.000m2; khi đi vào hoạt động, đây sẽ là điểm nhấn trong hạ tầng thương mại của tỉnh cũng như thúc đẩy mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất và an ninh năng lượng, UBND tỉnh cũng cấp phép cho các doanh nghiệp xây dựng 6 kho xăng, dầu; 216 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.

Người dân có xu hướng mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhằm phát huy hiệu quả hạ tầng thương mại công tác xúc tiến thương mại được tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và UBND tỉnh, Sở Công Thương đã tổ chức thành công 7 kỳ hội chợ triển lãm. Từ các nguồn kinh phí khuyến thương, hàng năm, Sở Công Thương cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia từ 9 - 10 hội chợ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trung tâm Xúc tiến thương mại triển khai tham gia 4 gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu có thế mạnh xuất khẩu của tỉnh tại hội chợ kinh tế thương mại biên giới Trung - Việt tổ chức tại Lào Cai góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh mở rộng thị trường trong nước và xúc tiến xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, Sở Công Thương tích cực tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động; tổ chức 4 chương trình liên kết tiêu thụ nông sản, thực phẩm, thủy sản vào thị trường Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh giúp cho nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh có thêm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Sở Công Thương đã thực hiện tốt hoạt động cung cấp thông tin: duy trì bản tin tuần, bản tin tháng, website của ngành, sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, tổ chức hội thảo, thông tin kịp thời về thị trường, cơ chế chính sách, quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa của địa phương.

Với những giải pháp mở rộng không gian kinh tế thương mại: phát triển hạ tầng, xúc tiến thương mại, phát triển sản xuất công nghiệp, làng nghề, quy hoạch hệ thống điện, quản lý thị trường, cải cách hành chính... Thái Bình đã tạo ra lực đẩy cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển rõ nét. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 201.972,3 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 10,9%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7.955 triệu USD, tăng bình quân 9,43%/năm; tổng kim ngạch nhập khẩu 5 năm ước đạt 7.170,6 triệu USD, tăng bình quân 8,27%/năm. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng năm 2020, ngành Công Thương đặt mục tiêu phấn đấu tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 48.743,8 tỷ đồng, tăng 9,29%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2.000,9 triệu USD, tăng 16,41%;  kim ngạch nhập khẩu đạt 1.781,4 triệu USD, tăng 13,05% so với năm 2019.

"Thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai các giải pháp phát triển nhiều loại hình dịch vụ có chất lượng cao, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại theo hướng văn minh hiện đại, đẩy mạnh phát triển thị trường nông thôn. Từng bước hình thành hệ thống mạng lưới bán buôn và bán lẻ, có sự gắn kết giữa người sản xuất với người kinh doanh... Tiếp tục cải cách hành chính, giải quyết nhanh, kịp thời thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Công Thương đáp ứng yêu cầu của doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn."

(Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương)


Khắc Duẩn