Thứ 3, 19/11/2024, 16:28[GMT+7]

Việt Nam nhập khẩu hơn 67.638 tấn thịt lợn

Thứ 5, 11/06/2020 | 08:44:37
1,193 lượt xem
Trong 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 67.638 tấn thịt lợn, chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Braxin,…

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: KD)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm 2020 đến 30/5, đã có 129 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ các nước. Tổng lượng thịt lợn nhập khẩu hơn 67.638 tấn, tăng 298% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Braxin, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Liên bang Nga.

Tuy nhiên, hiện nay, nhập khẩu thịt lợn gặp một số khó khăn do nguồn lợn của thế giới giảm. Cụ thể, tổng đàn lợn của thế giới vào tháng 1/2020 đạt khoảng 678 triệu con, giảm gần 12% so với năm 2019. Do đó, lượng thịt lợn không dồi dào, việc tìm được các nguồn cung cấp với giá hợp lý gặp khó. Đồng thời, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp thịt lợn cho các thị trường trên thế giới.

Thời gian qua, có ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhập khẩu hoặc có tham gia nhưng chỉ nhập được với số lượng ít do vấn đề thị trường cung - cầu, lợi nhuận kinh tế. Các nhà xuất khẩu thường sản xuất dựa trên kế hoạch và hợp đồng đã ký trước đó, tối thiểu từ 3-5 tháng, nhưng do ảnh hưởng của kỳ nghỉ tết, nhất là đại dịch COVID-19 đang xảy ra, do đó các nhà máy giết mổ gia súc và các doanh nghiệp xuất khẩu thường đóng cửa, các hoạt động thương mại bị đình trệ.

Hơn nữa, Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề do bệnh dịch tả lợn châu Phi, do đó cần rất nhiều thịt lợn. Giá thịt lợn ở nước này hiện rất cao nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng mua thịt lợn nhập khẩu với giá cao hơn (20 - 30%) so với các doanh nghiệp Việt Nam và thường mua với số lượng rất lớn. Ngoài ra, các nước đã ký hợp đồng xuất bán thịt lợn cho các doanh nghiệp Trung Quốc ngay từ đầu năm 2019.

Cùng với đó, thông thường, thời gian mua hàng từ châu Âu, châu Mỹ và chuyển về Việt Nam cần từ 35-45 ngày tàu đi trên biển. Trong khi đó, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh khá cao, các doanh nghiệp cần có thêm vốn để nhập.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các hoạt động xuất, nhập khẩu thịt lợn. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan thú y chủ động và tích cực đàm phán với các nước trong khu vực để nhập khẩu lợn sống bảo đảm an toàn dịch bệnh về Việt Nam để giết mổ, tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường.

Cùng với nhập khẩu thịt lợn thì việc chủ động nguồn cung trong nước là điều cần thiết. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trong đó, đối với các địa phương có dịch tái phát, cần chỉ đạo Sở NN&PTNT thành lập ngay các Đoàn công tác do lãnh đạo Sở, lãnh đạo UBND làm trưởng đoàn. Đồng thời, cử các tổ cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương có ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (chưa qua 30 ngày) để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Đặc biệt, cần công bố đã hết bệnh dịch tả lợn châu Phi theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi và mặt bằng đất đai để người chăn nuôi, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh./.

Theo dangcongsan.vn