Thứ 4, 20/11/2024, 00:30[GMT+7]

Ví điện tử đắt khách

Thứ 2, 31/08/2020 | 16:08:10
1,441 lượt xem
Dịch bệnh khiến một số dịch vụ suy giảm nhưng nhu cầu thanh toán không tiền mặt tăng lên.

Một giao diện ví điện tử Việt Nam. Ảnh: Trâm Trần.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ví điện tử trở thành lựa chọn của nhiều người. Đại diện Grab nhìn nhận, người dùng "đang ngày càng ủng hộ các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là cho các dịch vụ giao nhận đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày".

Trong tháng 8/2020, Moca cho biết số người dùng lần đầu tiên thanh toán không sử dụng tiền mặt cho dịch vụ GrabMart đã tăng 28%, trong khi số lượng giao dịch không dùng tiền mặt cho dịch vụ này tăng đến 128% so với tháng trước đó.

ZaloPay thì cho hay, nhờ tính năng nổi bật là cho phép chuyển tiền trong khung chat Zalo nên đầu năm đến nay, tăng trưởng lượng giao dịch của ví này lên đến 300%. "Giao dịch cho các hoạt động thương mại điện tử, giao hàng có tăng nhưng các dịch vụ offline giảm", đại diện ZaloPay nói.

Với Liberty, sau khi triển khai bán các loại bảo hiểm như ung thư, du lịch, xe máy trên MoMo được 4 năm, trung tuần tháng 8/2020, công ty bổ sung tính năng thanh toán phí bảo hiểm hợp đồng mới và hợp đồng tái tục trên ví này.

Ông Võ Trần Duy, Giám đốc Kênh Phân phối Trực tiếp, Tái tục và Tiếp thị của Bảo hiểm Liberty Việt Nam nói động thái trên sẽ giúp công ty đạt được 20-30% tỷ lệ thanh toán thông qua MoMo trong năm nay và kỳ vọng đạt 50% trong 3 năm tới.

Bà Nguyễn Huyên Phương, Giám đốc truyền thông MoMo đánh giá, thời điểm này vừa có cơ hội lẫn thách thức. Giao dịch của người dùng có tăng trưởng ở một vài mảng nhưng mảng khác thì giảm như mua vé xem phim, vé máy bay. "Hiện người dùng chủ yếu sử dụng ví để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn và các nhu cầu giải trí, học hành nhiều hơn. Nhìn chung, tình hình hoạt động mùa dịch vẫn tích cực", bà Phương nói.

Đại dịch đang tạo điều kiện cho nền kinh tế số phát triển. Khi Covid-19 càn quét qua Việt Nam lần hai, những ngành hàng trực tuyến hưởng lợi không chỉ còn khẩu trang và nước rửa tay. Giỏ hàng của người đi chợ mạng đã phong phú hơn.

Cụ thể, 5 xu hướng tiêu dùng của người Việt do Lazada ghi nhận gần đây cho thấy, người tiêu dùng chuộng mua sắm trực tuyến hơn. Đáng chú quý, trong lần dịch này, nhu cầu mua sắm đã ổn định trên tất cả các ngành hàng chứ không chỉ tập trung mua sắm, tích trữ nhu yếu phẩm như trong đợt đầu.

Các từ khoá tìm kiếm phổ biến đã đa dạng, từ chăm sóc nhà cửa, thú cưng, sách, đồ điện gia dụng,... "Có thể thấy rằng, khi người tiêu dùng ở nhà nhiều hơn, họ có xu hướng chủ động tạo ra một môi trường sống thoải mái với phong cách giản dị hơn", Lazada đánh giá.

Và khi giao dịch qua kênh offline còn yếu, các xu hướng này được ví điện tử tranh thủ tận dụng tối đa. Tuy nhiên, mỗi ví có hướng đi riêng để tránh "chạm mặt" trực tiếp.

Theo đó, Grab đang mời gọi người dùng mua hàng tạp hóa và thanh toán bằng Moca với chương trình "Thứ Năm không tiền mặt", với khách hàng giao dịch vào ngày thứ năm trong tuần sẽ nhận thêm điểm thưởng.

Trong khi đó, MoMo định hướng trở thành một "siêu ứng dụng" gắn liền với phong cách sống tiện lợi, thân thiện và giải trí. Ví này tuyên bố chuẩn bị cán mốc 20 triệu người dùng trong tháng 9 tới. MoMo sắp tung ra một game mới để giữ chân người dùng ở lại ứng dụng lâu hơn cũng như thu hút người dùng mới.

Về định hướng của mình, ZaloPay cho biết "nhu cầu người dùng ở đâu thì sẽ có mặt ở đó". Ngoài phục vụ các nhu cầu về thương mại điện tử, giao hàng, ứng dụng này vẫn chủ yếu khai thác hệ sinh thái của Zalo. Cùng với tính năng chuyển tiền qua khung chat, ZaloPay sẽ tiếp tục phát triển thế mạnh ở các hoạt động như góp tiền, chia tiền, nhóm quỹ... cho cộng đồng người dùng Zalo.

Theo vnexpress.net