Thứ 7, 16/11/2024, 04:23[GMT+7]

Nhìn lại một năm xuất khẩu thủy sản Xuất khẩu gặp khó

Thứ 3, 18/12/2012 | 09:29:00
801 lượt xem
Khép lại một năm, DN ngành thủy sản đối mặt nhiều khó khăn, dự báo tổng kim ngạch XK thủy sản cả nước về đích đạt 6,18 tỷ USD. Trong đó, tôm trên 2,2 tỷ USD, giảm 8,3%; cá tra 1,8 tỷ USD tương đương cùng kỳ 2011.

Tuy giảm so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 (6,5 tỷ USD), nhưng có thể nói ngành thủy sản đã nỗ lực vượt khó trong bối cảnh kinh tế đang sa sút do suy thoái kinh tế thế giới.

 

Điểm yếu bộc lộ

 

Những ngày cuối năm 2012, các DNXK thủy sản nhận định: Thị trường tiêu thụ thủy sản các nước châu Âu (EU), Mỹ, Nhật… nhu cầu tiêu dùng chưa có sự cải thiện tăng lên. Trong 2 mặt hàng chủ lực, tôm đang có giá cao nhưng vùng nuôi gặp dịch bệnh thất mùa, không đủ cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Ông Lê Phong Hải, GĐ Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết: Tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh khoảng 43.600 ha và năm 2012 dịch bệnh cũng đã làm 2.370 ha bị thiệt hại. Nguyên nhân, là do kết cấu hạ tầng phục vụ cho vùng nuôi trồng thủy sản như hệ thống kênh cấp, kinh thoát chưa được đầu tư đồng bộ. Hệ thống xử lý nước thải của một số cơ sở nuôi chưa thực hiện đúng theo quy định, việc chuẩn bị ao nuôi, xử lý ao nuôi trước khi thả nuôi chưa đúng quy trình kỹ thuật. Chính từ đó đã làm tăng chi phí SX nhưng giá bán lại thấp hơn cùng kỳ năm 2011 làm cho người nuôi tôm gặp khó khăn.

 

Theo Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 11 hàng năm là giai đoạn SX tăng tốc bán hàng vào dịp Noel và Tết Dương lịch. Thế nhưng tình hình tiêu thụ hàng thủy sản tại các nước EU giảm sút, dự báo trong quý IV, kim ngạch XK có thể giảm 12-15%; thị trường Mỹ dự báo trong 3 tháng cuối năm cũng giảm nhẹ so cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó thị trường Nhật Bản vẫn còn tồn tại khó khăn rào cản về quy định chất ethoxyquin trên tôm, ảnh hưởng làm kim ngạch XK thủy sản giảm 1,5-2% so với cùng kỳ năm 2011.

 

Ông Hồ Quốc Lực, TGĐ Cty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex), Chủ tịch Uỷ ban Tôm thuộc VASEP nhận định: Năm 2012 có thể tóm gọn thực trạng nuôi trồng-chế biến-tiêu thụ thủy sản vào 2 từ “sóng gió”.

 

Trở ngại con tôm ở thị trường Nhật Bản cứ mỗi năm thì danh sách kiểm bắt buộc 100% tôm từ VN tăng thêm một chất. Trước 2009 là Chloramphenicol, AOZ, 2010 thêm trifluralin, 2011 thêm enrofloxacine, 2012 thêm ethoxyquin. Hiện nay, tôm VN vào Nhật phải kiểm 100% lô hàng và mỗi lô phải kiểm 5 chất nêu trên.

 

Từ tình hình này, FDA Hoa Kỳ đã tăng cường kiểm tôm từ VN và mới đây là Hàn Quốc. Theo ông Lực, vấn đề cốt lõi của xúc tiến thương mại thủy sản là đánh bóng hình ảnh con tôm, con cá của ta song song tìm hiểu thị trường những mặt hàng mới. Muốn đánh bóng thì phải là con tôm sạch, con cá sạch và phải sạch thật sự.

 

Gỡ khó, từ đâu?

 

Ngành thủy sản từng tiên liệu những khó khăn có thể đương đầu gây bất lợi thường xuyên là rào cản kỹ thuật trên thị trường một số nước. Thị trường càng gặp khó, sản phẩm phải đạt chất lượng càng cao trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Do đó những năm qua một số DN và nông dân ĐBSCL đã có sự chuẩn bị nuôi cá-tôm sạch theo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng đáp ứng tùy theo yêu cầu nhập khẩu của thị trường các nước.

 

Ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn) - chủ trang trại nuôi tôm sú ở xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) kể: “Trong nhiều năm qua, tôi thực hiện nuôi tôm sạch. Một số khách hàng châu Âu đã đến tận vùng nuôi tham quan, khảo sát và họ công nhận. Tôi nghĩ thị trường càng khó tính, cuối cùng con tôm VN muốn giữ uy tín trên thị trường nhất định phải đi theo con đường này, vừa nuôi trồng bền vững, vừa giữ được môi trường tốt.

 

Nuôi tôm sạch là người nuôi phải thực hiện nhật ký quá trình nuôi, sử dụng thành phần thức ăn gồm những gì, loại thuốc thủy sản nào, có ao lắng chất thải không…Tôi nuôi tôm sạch mật độ 7-9 con/m2, tôm đạt loại lớn, sản lượng không đủ bán. Tất nhiên tôi là người nuôi, chịu trách nhiệm sản phẩm tôm nuôi của mình. Tôi nghĩ, nuôi tôm sạch vừa giữ được môi trường tốn, khách hàng tin tưởng vào sản phẩm tôm sạch của VN, giá trị và uy tín càng cao”.

 

Ông Võ Đông Đức, TGĐ Cty Cổ phần XNK thủy sản Cần Thơ (Caseamex) cho rằng: Nhu cầu tiêu dùng tôm, cá sạch ở thị trường các nước là xu hướng tất yếu. Thị trường các nước EU áp dụng theo tiêu chuẩn Global GAP, thị trường Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn ACC.

 

Những năm qua Caseamex đã đầu tư vùng nuôi cá tra sạch từ hệ thống ao nuôi đạt tiêu chuẩn, đường kênh cấp-thoát, ao lắng đáp ứng theo tiêu chuẩn yêu cầu tùy theo từng thị trường. Ưu điểm thực hành nuôi cá sạch là kiểm soát, nạo vét chất thải trong ao; nguồn nước cấp thải ra qua ao lắng được xử lý.

 

Mật độ nuôi giảm còn khoảng 70% so với cách nuôi thông thường trước đây…do vậy mầm bệnh giảm. Đây là hướng đi lâu dài và bảo vệ tốt cho môi trường. Tuy nhiên, để đạt được như vậy chi phí đầu tư nuôi cá sạch tăng khoảng 20%.

Theo nongnghiep.vn

 

  • Từ khóa