Thứ 7, 16/11/2024, 15:32[GMT+7]

Phát triển kinh tế gia đình hội viên Hướng đi, cách làm của Phụ nữ Song Lãng

Thứ 5, 26/08/2010 | 16:44:57
2,263 lượt xem
Là một trong 4 mũi nhọn phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi ở Song Lãng (Vũ Thư) phát triển khá mạnh. Mặc dù việc phục hồi tổng đàn chậm, từ sau dịch lở mồm long móng, tai xanh song hiện nay địa phương đang có đàn lợn nái trên 1000 con và 6000 lợn thịt.

Nhờ sự phối hợp của hội phụ nữ, hội viên có điều kiện phát triển chăn nuôi , ổn định cuộc sống

Mô hình chăn nuôi tập trung tăng hàng năm với tổng số 125 gia trại, trang trại, 70% hộ đã làm hầm biôga xử lý chất thải. Năm 2009, tổng thu nhập từ chăn nuôi đạt trên 10 tỷ đồng, chiếm gần 38% giá trị toàn ngành nông nghiệp xã.

Cùng chị Nguyễn Thị Lộc, Trần Thị Tới, hội trưởng, hội phó phụ nữ xã, chúng tôi có dịp đi thăm một số mô hình chăn nuôi có hiệu quả: Thật khó hình dung cuộc sống của gia đình anh chị Trâm Tô mươi năm về trước. Anh chị phải xoay sở đủ nghề nấu rượu nuôi lợn, đong thóc về làm hàng xáo nuôi 4 con ăn học. Ăn gói mỳ tôm anh đi cày quá trưa, dong trâu, vác cày trời nắng bước đi loáng choáng.

Anh chị khá lên từ khi Hội phụ nữ cho vay 7 triệu. Làm chuồng trại, mua lợn giống vừa đủ. Hội lại bán cám trả chậm đến khi bán lợn mới phải thanh toán.  Từ lãi do nuôi lợn nay anh chị có cơ ngơi khang trang, mua cả máy bơm nước rửa chuồng, tắm cho lợn hàng ngày, đỡ vất vả hơn. Con lớn ra trường đi làm ghé vai đỡ bố mẹ nuôi em ăn học, lại còn mua cho bố mẹ các thứ đồ dùng như quạt, ti vi. Trường hợp anh chị Quân Sen cũng lấy nhau khi anh xuất ngũ ra quân với 2 bàn tay trắng gây dựng cơ nghiệp từ mấy sào đất chuyển đổi làm gia trại.

Nhờ cám phụ nữ, phân chậm trả của phụ nữ mà lợn béo, lúa tốt, anh chị có tích lũy vốn nay mở mang sang kinh doanh cây cảnh. Chị Sen tâm sự với chúng tôi: Nếu không có hội phụ nữ là chỗ dựa, nhà em biết bao giờ ngóc đầu lên được. Chúng tôi đến thăm chị Hoàng Thị Thân nghe chị tâm sự: chị có  3 cô con gái đều học giỏi nhưng nuôi con học lên đại học, chi phí vài triệu một tháng thì lấy đâu ra, bắt các con bỏ học đi làm thì tiếc cho các cháu. Được vay “vốn sinh viên'', “vốn hộ nghèo'' nuôi lợn, gia đình chị từng bước đi qua thiếu thốn, nay 3 cháu đều cao đẳng, đại học, đời sống khá hơn. Chị Tựu, chị Lụa (thôn An Lợi) nhờ chăn lợn nuôi con tốt nghiệp đại học, học lên cao học.

Đứng mũi, chịu sào, gồng gánh gia đình vượt qua thiếu thốn, khó khăn vẫn là đôi vai tảo tần của những người vợ, người mẹ. Cảm thông với chị em nên suốt từ tháng 4/2004 đến nay, hội phụ nữ Song Lãng là xã duy nhất  trong 7 xã duy trì mô hình liên kết 3 nhà (nhà máy, ngân hàng và nhà nông), do Hội phụ nữ huyện thí điểm. Huyện hội ký ủy thác với Ngân hàng CSXH cho Song Lãng vay 300 triệu, chị em bình xét cho hội viên vay (mức 5 triệu thì cầm 4 triệu về làm chuồng trại, còn 1 triệu để hội hợp đồng mua cám chậm trả của   Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi JAPFA -  Khu công nghiệp Phú Khánh).

 Hội giao cho chị Tới hội phó chủ trì. Khi mô hình đi vào nền nếp, chị em phấn khởi, tổng đàn lợn trong xã tăng nhanh lại là lúc nhà máy làm ăn thua lỗ, phải chuyển chủ sở hữu. Chủ mới phá vỡ hợp đồng. Chị em chậm trả hội 64 triệu đồng, Hội chậm trả nhà máy 32 triệu đồng, nhà máy cho một đội quân đến đốc thúc nợ tại nhà, cắt chế độ bán hàng ưu đãi đại lý cấp I, chuyển mô hình của hội sang đại lý cấp 2.

Chị Tới tâm sự: Có lúc chị đã đi khảo sát các hãng khác cho chậm trả, thậm chí đã mang cám của họ về nuôi thử nhưng chất lượng không bằng lại phải gom tiền quay lại lấy cám JAPFA, tự ứng vốn của gia đình trả nhà máy. Có tháng lỗ không dám nói với chồng con. Cái khó nhất là thanh toán lắt nhắt: Hàng trưa chị phải đi thu  tiền hàng khi có chị em bán lợn điện cho chị xuống thanh toán tận nhà. Giá cả thất thường nên phải tính toán với chị em mức giá chậm trả hợp lý, không để chị em thiệt 200 đồng nhỏ. Có lúc chị định thu hẹp và rút dần “mô hình cám” nhưng có nhiều chị em tha thiết mong chị giúp.

Được cái họ rất sòng phẳng mặc dù nhiều hộ thua thiệt vì dịch bệnh, đậm nhất là  năm 2008,  toàn xã có 1500 con lợn phải tiêu hủy vì dịch tai xanh với tổng trọng lượng trên 78 tấn. Tổng số tiền nhà nước hỗ trợ thiệt hại rất lớn, trên 2 tỷ đồng, giúp người dân bớt khó khăn nhưng để vực dậy ngành chăn nuôi vốn là thế mạnh của Song Lãng thì rất cần sự vào cuộc của các đoàn thể giúp đỡ hội viên thiết thực như cách làm của hội phụ nữ.

Thực hiện cuộc vận động Học tập làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, hội phụ nữ xây dựng 11 tổ tiết kiệm. 6 tháng đầu năm nay, đã tiết kiệm 168 triệu đồng cho 102 chị có khó khăn hơn vay không lấy lãi. chị Hoàng Thị Đồng thôn Trung gặp hoạn nạn, hội tặng 3 triệu đồng không hoàn lại. Cũng từ năm 2005, Huyện hội phụ nữ chỉ đạo các xã tiếp thu mô hình phân lân Văn Điển trả chậm. Đã 9 vụ xuân, mùa qua, hạt thóc trên đồng đất Song Lãng sáng đẹp, mẩy đều hơn nhờ mỗi vụ phụ nữ hợp đồng với nhà máy đưa về gần 100 tấn NPK.

Song song với mô hình là sự chuyển giao khoa học kỹ thuật. Uy tín của hội nâng lên, Ngân hàng CSXH huyện ủy thác cho hội phụ nữ xã quản lý 2.980 triệu đồng trong tổng số 8.560 triệu đồng cho vay 5 chương trình ở Song Lãng. Ngoài ra, quỹ hội có 36 triệu cho 22 chị vay; nửa năm 2010, có gần 100 chị cho 156 chị vay thóc, vàng, cây con giống… không lấy lãi.

Bảo Linh

  • Từ khóa