Thứ 7, 16/11/2024, 02:36[GMT+7]

Công ty CP Hải sản Thái Bình Hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu mạnh

Thứ 2, 14/01/2013 | 08:37:09
977 lượt xem
Kết thúc năm kế hoạch 2012, Công ty CP Hải sản Thái Bình đã nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch sản xuất – kinh doanh (SX – KD) năm 2012; Làm tròn các nghĩa vụ với nhà nước và người lao động; Xây dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nhân dịp này, Báo Thái Bình phỏng vấn ông Trần Văn Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch  HĐQT công ty. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

 

Phóng viên (PV): Thưa ông! Ông đánh giá thế nào về kết quả SX – KD của Công ty trong điều kiện có nhiều khó khăn, như năm 2012?

 

Ông Trần Văn Quang (T.V.Q): Đúng vậy, năm 2012 được xác định là năm có rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động... do tác động của suy thoái, lạm phát kinh tế thế giới. Ở tỉnh ta cũng vậy, không ít doanh nghiệp sản xuất đã phải ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động; một số phải giải thể. Trong tình hình ấy, Công ty CP hải sản cũng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Nguyên liệu chính cho sản xuất (đầu vào) không chỉ tăng giá mà sản lượng giảm, tình hình phức tạp ở biển Đông cũng có ảnh  hưởng nhất định. Rồi khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp, của tư nhân làm ăn không minh bạch, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng... Công ty đã có những chủ trương phù hợp với tình hình thực tế. Sự cạnh tranh trên thị trường là tính tất yếu. Con đường duy nhất là phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá thành và xây dựng được thương hiệu.

 

P.V: Ông có thể nói cụ thể hơn các giải pháp như đã đề cập ở trên?

 

Ông T.V.Q: Vấn đề giải quyết “đầu vào” nguyên liệu sản xuất là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm. Cũng là sự sống – còn, thành bại của công ty. Chúng tôi đã có chủ trương. Đa dạng nguồn cung ứng nguyên liệu; đi xa vào Quảng Ngãi, Nghệ an và gần nữa là Quảng Ninh, Nam Định để chọn lựa các loại cá có chất lượng cao để chế biến nước mắm như cá cơm, nục, nhâm. Vào Khánh Hòa, Quảng Ngãi mua muối nguyên liệu để chế biến nước mắm. Quá trình thu mua, vận chuyển giao nhận được kiểm tra, lấy mẫu chặt chẽ, xác định khối lượng, chủng loại, kích cỡ, độ mặn, tỷ lệ nước bổi... bảo đảm định mức thu hồi đạm, hạn chế tối đa nguyên liệu không đáp ứng yêu cầu sản xuất.

 

Yếu tố nữa cũng rất quan trọng là ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất. Tỷ lệ tiêu thụ nước mắm cao đạm trong năm 2012 của người tiêu dùng là rất lớn; đòi hỏi phải có lượng nước mắm cốt tương ứng. Sau khi kéo rút nước cốt, một lượng bã thải khá lớn cần phải được xử lý. Công ty đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tiến hành khử trùng nước muối bằng tia cực tím, đun sôi, đánh đăng không qua công đoạn nấu phá bã; Kết quả bước đầu khá tốt. Để chủ động sản xuất nước mắm cao đạm trong điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi, công ty nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ: Cô đạm nước bằng phương pháp  gia nhiệt gián tiếp với 3 dàn bay hơi... giúp tiết kiệm chi phí nhân công, cải tạo nâng cao hương vị nước mắm. Đề tài được Bộ khoa học – công nghệ tặng Bằng khen tháng 11 – 2012.

 

P.V: Ông có thể hé mở kế hoạch SXKD năm 2013?

 

Ông T.V.Q: Năm 2012, tổng doanh số mua vào hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, gồm: cá làm chượp, tôm moi, nước mắm cao đạm muối miền nam, than... Năm 2012, chúng tôi đã mua đủ nguyên liệu cho sản xuất năm 2013 gồm 900 tấn. Tổng doanh số bán ra của năm 2012 tăng 38% so với năm 2011, tăng 25% so với kế hoạch. Bình quân tiền lương của người lao động 5,5 triệu đồng/tháng. Cổ tức tăng 20% kế hoạch. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Đóng đầy đủ BHXH, BHYT cho người lao động. Năm 2013, mục tiêu đặt ra là: Doanh số mua vào tăng 11% so với năm 2012; cổ tức 15%/năm. Lương bình quân 5,5 đến  6 triệu đồng/người/tháng.

 

Để thực hiện các mục tiêu trên, công ty tập trung làm tốt công tác thu mua sản xuất và tiêu thụ. Đây là thế chân kiềng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Vấn đề quan trọng nhất để bảo đảm cho thế chân kiềng vững chắc phải nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu “Hải sản Thái Bình”. Muốn vậy phải đầu tư trọng điểm, ưu tiên xây dựng cơ sở sản xuất: “Sạch hơn – an toàn hơn”. Xây dựng hình ảnh người lao động trong công ty có tác phong công nghiệp, năng động, sáng tạo, chất lượng cao. Quan tâm việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, rà soát định mức lao động, tiêu hao năng lượng, nguyên liệu; cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm và coi trọng quảng bá giới thiệu sản phẩm để sản phẩm tiếp cận được nhiều hơn với người tiêu dùng.

 

P.V: Xin cảm ơn ông.

Bài, ảnh: Phạm Viết Thanh

                             (Thực hiện)

 

 

  • Từ khóa