Thứ 4, 27/11/2024, 14:31[GMT+7]

Bắt nhịp kinh doanh online

Thứ 3, 16/05/2023 | 20:08:50
1,118 lượt xem
Bắt nhịp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các HTX, chủ cơ sở sản xuất, nông dân Thái Bình đang dần thay đổi tư duy, cách làm, từng bước tiếp cận thị trường theo hướng phát triển kinh doanh online. Nhờ đó, nông sản, thực phẩm được tiêu thụ dễ dàng, mang lại lợi nhuận cao và rút ngắn khoảng cách với khách hàng. Tuy nhiên, kinh doanh online vẫn còn nhiều rào cản, cần có sự thay đổi về tư duy và chiến lược bán hàng.

Nhân viên HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Hồng Tiến thường xuyên đăng tải hình ảnh sản phẩm lên fanpage.

“Đại lộ” cho nông sản

Trước đây, HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến (Kiến Xương) chủ yếu kinh doanh các sản phẩm mắm cáy theo phương thức truyền thống. Khách hàng phải đến tận HTX để mua được những sản phẩm chất lượng với giá thành hợp lý. Còn hiện tại, việc mua sản phẩm đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều thông qua trang fanpage đặc sản mắm cáy Hồng Tiến. 

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi tiếp cận phương thức bán hàng theo hình thức trực tuyến và thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, việc kinh doanh của HTX trở nên khá thuận lợi. Chúng tôi có thể giao dịch trực tiếp và đưa sản phẩm đến tay khách hàng mà không cần thông qua hệ thống đại lý. Nhờ đó vừa giảm được giá thành sản phẩm vừa dễ dàng tiếp cận với khách hàng mới và xây dựng thương hiệu mắm cáy Hồng Tiến.

Sau 6 năm triển khai bán hàng online, số lượng mắm cáy của HTX cung cấp ra thị trường tăng từ 12.000 lít lên 15.000 lít và dự báo sẽ tăng hơn nữa do số lượng đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Doanh thu của HTX tăng 30% mỗi năm và giá thu mua nguyên liệu cho nông dân cũng cao hơn nhiều. Là người trực tiếp phụ trách công việc đưa sản phẩm của HTX lên các kênh bán hàng trực tuyến, chị Lê Thị Dung chia sẻ: Ưu điểm của việc bán nông sản online là không bị giới hạn về diện tích hay thời gian. Chúng tôi có thể đăng bài, ảnh sản phẩm mọi lúc, mọi nơi mà không tốn chi phí xây dựng hệ thống đại lý hay cửa hàng trưng bày. Ngoài ra, chúng tôi còn livestream, đăng tải video giới thiệu về vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất để tạo niềm tin với khách hàng. Đặc biệt nhờ có tính năng trao đổi trực tiếp nên HTX có thể nhanh chóng tiếp nhận, phản hồi ý kiến của khách để cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm.

Với ưu thế là nông dân trẻ, anh Nguyễn Quốc Thịnh, xã Chí Hòa (Hưng Hà) cũng đã thành công đưa các loại cây, hoa trong vườn của gia đình lên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo để kinh doanh. 

“Ban đầu, khách hàng của tôi chủ yếu là bạn bè trên trang cá nhân. Khách mua vẫn có nhưng chỉ trong huyện hoặc trong tỉnh. Nhưng sau khi tôi chia sẻ ảnh, bài viết vào các hội, nhóm thì đã dần có thêm nhiều khách hàng mới khắp nơi nhắn tin và đặt mua cây. Hiện tại, lượng khách hàng giao dịch thông qua các nền tảng mạng xã hội chiếm đến 40%. Thông qua các kênh bán hàng này, tôi còn có thể dễ dàng cập nhật các giống cây, hoa mới đến với khách hàng. Với đặc thù của sản phẩm, tôi không cần đầu tư quá nhiều kinh phí cho việc kinh doanh online. Điều quan trọng nhất là xây dựng được lòng tin và bảo đảm lượng hàng ổn định cho khách hàng.” - anh Thịnh chia sẻ.

Còn nhiều cái khó

Việc kinh doanh online có thể mở ra hướng đi mới, hiệu quả cho nông sản, thực phẩm nhưng mới chỉ được ứng dụng chủ yếu là ở đối tượng người trẻ. Trong khi nhiều nông dân lớn tuổi với trình độ sử dụng công nghệ thông tin hạn chế nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận. Ngại thay đổi, thiếu vốn, cơ sở vật chất, quy mô sản xuất chưa bảo đảm cũng là một trong những rào cản để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Mặc dù rất quan tâm, mong muốn phát triển theo hướng kinh doanh online tuy nhiên  HTX SXKD DVNN Vũ Tây (Kiến Xương) vẫn chưa sẵn sàng để đưa sản phẩm nếp thơm truyền thống của địa phương lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. 

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc HTX cho biết: Thực tế hiện nay HTX vẫn đang gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị hiện đại và mở rộng sản xuất. Cùng với đó là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên chưa thể đáp ứng số lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu lớn của khách hàng.

Còn đối với anh Trần Văn Đức, chủ cơ sở chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức, xã Nguyên Xá (Đông Hưng), khó khăn lại xuất phát từ hệ thống đại lý phân phối truyền thống. Anh Đức chia sẻ: Chúng tôi đã duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong suốt 10 năm trở lại đây và xây dựng hệ thống đại lý phân phối tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hiện tại chúng tôi không thể lập tức chuyển đổi sang kinh doanh online. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của hệ thống đại lý vốn đang ổn định. Đặc biệt là sự cạnh tranh trên giao dịch trực tuyến ngày càng lớn khiến mặt hàng thực phẩm dễ bị làm nhái, kém chất lượng, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Ông Hà Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Thông qua đó giúp người tiêu dùng trên toàn quốc dễ dàng lựa chọn, truy xuất nguồn gốc và đặt hàng. Phối hợp tổ chức 7 lớp tập huấn đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cho 560 hộ nông sản tại 7/8 huyện, thành phố. Đến nay đã có 1.206 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên còn rất nhiều người nông dân ngại thay đổi tư duy, cách làm vì chưa thấy rõ tiềm năng của việc kinh doanh online. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tập huấn về cách quảng bá nông sản online; đầu tư xây dựng thương hiệu tiến đến dán tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Anh Nguyễn Quốc Thịnh, xã Chí Hòa (Hưng Hà) giới thiệu các giống cây mới đến khách hàng thông qua fanpage.

Sàn thương mại điện tử, mạng xã hội không chỉ là kênh tiêu thụ hiệu quả mà còn giúp quảng bá sản phẩm của các vùng miền, đưa khoảng cách giữa người nông dân và khách hàng lại gần hơn. Đây sẽ là giải pháp hữu ích giúp nông dân có thêm một kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở ra cơ hội mới cho phát triển nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, để kinh doanh trên nền tảng số, người nông dân cần trau dồi thêm kỹ năng bán hàng, xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, duy trì lượng khách hàng ổn định và mở rộng sản xuất.

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Nguyễn Triệu