Thứ 7, 23/11/2024, 21:04[GMT+7]

Chi phí sản xuất điện tăng cao

Thứ 5, 02/11/2023 | 08:39:27
2,250 lượt xem
Chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành điện đầu ra và hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chi phí sản xuất và mua điện tuy đã giảm so với năm trước nhưng hiện vẫn ở mức cao. Nhất là giá nhiên liệu đầu vào như than nhập khẩu tăng bình quân hơn 2 lần, giá dầu tăng 1,4 lần so với trước năm 2021.

Theo EVN, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino nên tình hình thủy văn không thuận lợi, nước về các hồ thủy điện rất thấp đặc biệt tại khu vực miền Bắc vào thời kỳ cuối mùa khô vừa qua.

Do vậy, ước tính cả năm nay sản lượng nguồn phát điện giá thấp giảm khiến phải tăng nguồn phát điện giá cao so với phương án kế hoạch năm đã được Bộ Công Thương duyệt trước đó.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Trưởng phòng Giá điện và Khí, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết: "So với kế hoạch đầu năm thì chi phí mua điện 9 tháng qua đã tăng so với kế hoạch là 13.000 tỷ - mức tăng khá cao. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình thuỷ văn không thuận lợi ở các tháng mùa khô, dẫn đến phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện giá cao như than, khí, dầu. Với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh như thế này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của EVN trong năm 2023".

Đầu tháng 5 vừa qua, sau khi giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng 3%, doanh thu của ngành điện năm nay ước tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo EVN số tiền tăng thêm này cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính của Tập đoàn trong ngắn hạn.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam: "Năm 2022 giá thành sản xuất điện tăng khoảng 9,2%, nhưng chúng ta chỉ cho điều chỉnh giá là 3% thì như vậy không có lợi nhuận và không bảo đảm bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh như quy định của luật giá đối với sản phẩm này".

Ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng: "Xăng dầu chúng ta đã có một cơ chế uyển chuyển sau rất nhiều tranh cãi, bây giờ gần như đã tiệm cận nguyên tắc thị trường, tức thị trường đầu vào tăng thì đương nhiên thị trường đầu ra sẽ tăng. Tương tự như vậy thị trường điện cũng phải như thế, tức điện cũng phải theo quy luật của thị trường".

Việc chi phí sản xuất và mua điện tăng cao, nên năm giá thành sản xuất điện năm nay ước khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh. Thực trạng này đặt ra yêu cầu, giá bán lẻ điện cần được điều chỉnh kịp thời theo các biến động của chi phí sản xuất điện, trên cơ sở đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô theo điều hành của chính phủ.

Theo vtv.vn