Thứ 7, 23/11/2024, 23:11[GMT+7]

Xuất siêu tháng thứ 3 liên tiếp

Thứ 5, 19/09/2013 | 14:03:14
640 lượt xem
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, khác với ước tính cuối tháng 8 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã đạt xuất siêu tháng thứ 3 liên tiếp và tính chung 8 tháng đã xuất siêu.

Ảnh minh họa.

Ước tính của Tổng cục Thống kê, trong báo cáo 8 tháng đầu năm 2013 thì tháng 8 ước xuất khẩu đạt 11,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 11,8 tỷ USD, nhập siêu 0,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng ước xuất khẩu 84,819 tỷ  USD (tăng 14,7%), nhập khẩu 85,397 tỷ USD (tăng 14,9%), nhập siêu 578 triệu USD.

 

Còn theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 8 vừa qua, cả nước xuất khẩu 11,92 tỷ USD, nhập khẩu 11,32 tỷ USD, xuất siêu 0,6 tỷ USD; tính chung 8 tháng xuất khẩu đạt 85,16 tỷ USD (tăng 15,1%), nhập khẩu 84,99 tỷ USD (tăng 14,4%), xuất siêu 0,18 tỷ USD.

 

Kết quả tích cực của nền kinh tế

 

Như vậy, số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan so với số liệu ước tính trước đây của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu đã tăng cao hơn, nhập khẩu đã tăng thấp hơn, nên đã xuất siêu, chứ không phải nhập siêu. Đây là tín hiệu khả quan để xuất khẩu vượt kế hoạch cả năm.

 

Như vậy, tháng 8 là tháng thứ 3 liên tiếp Việt Namon> xuất siêu và tính chung 8 tháng đã xuất siêu. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm 2013 sẽ không nhập siêu lớn như chỉ tiêu kế hoạch đề ra (với tỷ lệ nhập siêu 8%, tính ra quy mô nhập siêu khoảng 10 tỷ USD), trái lại, còn có thể xuất siêu, dù mức xuất siêu không lớn.

 

Nếu tín hiệu này trở thành hiện thực thì năm 2013 sẽ là năm thứ 2 liên tục xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 780 triệu USD) sau nhiều năm nhập siêu rất lớn (năm 2010 trên 12,6 tỷ USD, năm 2011 trên 9,8 tỷ  USD).

 

Đây là kết quả tích cực về nhiều mặt. Trước hết đó là sự chuyển vị thế của Việt Namon> trong quan hệ buôn bán với nước ngoài: Chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể - một nội dung có tầm quan trọng hàng đầu trong cân đối kinh tế vĩ mô. Xuất siêu góp phần tăng dự trữ ngoại hối - một yếu tố quan trọng liên quan đến sức mạnh tài chính, thể hiện lòng tin đối với đồng tiền quốc gia, giảm tình trạng “đô la hóa”. Xuất siêu góp phần kiềm chế lạm phát - một trong những mục tiêu kép của năm 2013.

 

Xuất khẩu nguyên liệu thô giảm

 

Xuất siêu do xuất khẩu đạt được nhiều điểm vượt trội. Xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu (tăng 15,1% so với tăng 14,4%). Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả 2 khu vực, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) cao hơn khu vực kinh tế trong nước cả về kim ngạch tuyệt đối (56,5 tỷ  USD, chiếm 66,3% tổng số, so với 28,7 tỷ  USD, chiếm 33,7%), cả về tốc độ tăng (22,4% so với 3%).

 

Trong 40 nhóm mặt hàng chủ yếu, có 30 nhóm mặt hàng có kim ngạch tăng, trong đó có một số mặt hàng tăng với tốc độ cao hơn tốc độ chung (như điện thoại, máy vi tính, kim loại thường khác và sản phẩm, hàng rau quả, hóa chất, túi xách, dệt may…). Mới qua 8 tháng đã có 18 mặt hàng đạt quy mô trên 1 tỷ  USD (điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại; dầu thô; thủy sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ; gạo; cà phê; cao su; xơ, sợi dệt các loại; túi xách, vali, mũ và ô dù; sắt thép các loại; sản phẩm từ chất dẻo; hạt điều; sản phẩm từ sắt thép), trong đó có 11 mặt hàng đạt trên 2 tỷ USD, 9 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD, 6 mặt hàng đạt trên 4 tỷ USD, 4 mặt hàng đạt trên 5 tỷ  USD, 3 mặt hàng đạt trên 6 tỷ  USD, đặc biệt đã có 2 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD (điện thoại 13,4 tỷ USD, dệt may 11,5 tỷ USD).

 

Đáng lưu ý, các mặt hàng là nguyên liệu thô giảm (dầu thô, than đá); các mặt hàng chế biến tăng khá, trong đó có một số mặt hàng có kỹ thuật cao. Trong 15 mặt hàng có thể tính được đơn giá chung,  có 10 mặt hàng giá giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong 73 thị trường xuất khẩu lớn trong 8 tháng đầu năm, có 55 thị trường đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 23 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 6 thị trường đạt trên 3 tỷ USD (Hoa Kỳ 15,1 tỷ  USD, Nhật Bản 8,8 tỷ USD, Trung Quốc 8,4 tỷ USD, Hàn Quốc gần 4,2 tỷ USD, Malaysia 3,3 tỷ USD, Đức 3,1 tỷ USD).

 

Trong 81 thị trường lớn, có 52 thị trường Việt Nam có vị thế xuất siêu (trong đó xuất siêu lớn trên 1 tỷ USD là Hoa Kỳ 11,67 tỷ USD, Anh 2,1 tỷ USD, Campuchia 1,72 tỷ USD, Hong Kong (Trung Quốc) 1,58 tỷ USD, Hà Lan 1,46 tỷ USD, Nhật Bản 1,33 tỷ USD, Tây Ban Nha 1,23 tỷ USD, Đức 1,22 tỷ USD, Australia 1,08 tỷ USD, Áo 1,02 tỷ USD)…

 

Trong 63 tỉnh/thành phố, xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD có 12 địa phương (cao nhất là TP. Hồ Chí Minh 20 tỷ USD, Bắc Ninh 15,48 tỷ USD, Bình Dương 9,27 tỷ USD, Đồng Nai 7,12 tỷ USD, Hà Nội 6,55 tỷ USD, Hải Dương 2,22 tỷ USD…).

 

Trong 63 tỉnh/thành phố có 44 địa phương xuất siêu, trong đó có 7 nơi xuất siêu lớn trên 500 triệu  USD (TP. Hồ Chí Minh 1,538 tỷ USD, Bắc Ninh 1,308 tỷ USD, An Giang 702 triệu  USD, Đắk Lắk 643 triệu USD, Cà Mau 619 triệu USD, Cần Thơ 555 triệu USD, Khánh Hòa 554 triệu USD); có 19 địa phương nhập siêu, trong đó có 3 nơi nhập siêu lớn trên 500 triệu USD (Hà Nội 8,830 tỷ USD, Vĩnh Phúc 749 triệu USD, Hưng Yên 546 triệu USD).

 

Tuy nhiên, trong xuất siêu, điểm cần lưu ý là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả dầu thô, xuất siêu cao hơn (8,456 tỷ USD), còn khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu lớn (8,280 tỷ USD). Nhập siêu ở một số thị trường khá lớn, trong khi một số thị trường không phải là nơi có thiết bị, công nghệ nguồn.

 

Xuất siêu còn chịu tác động do nhập khẩu một số mặt hàng bị giảm, trong đó có một số mặt hàng giảm khá lớn, vì nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng trong nước giảm hoặc tăng thấp (lượng xăng dầu giảm tới 23,2%, khí đốt hóa lỏng giảm 5,3%...).

Nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa