Thứ 7, 16/11/2024, 14:36[GMT+7]

Các doanh nghiệp Vũ Thư - Thái Bình Thuyền nhỏ vượt biển khơi

Thứ 2, 20/09/2010 | 10:08:29
1,739 lượt xem
Chính sách đổi mới, cơ chế thông thoáng của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất và các hộ gia đình có điều kiện về đất đai, tiền vốn vươn lên thành lập các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng, phù hợp với xu thể phát triển của nền kinh tế đất nước.

Vũ Thư các doanh nghiệp có quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ

Huyện Vũ Thư có 142 đơn vị doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh với nhiều loại hình gồm: 15 Công ty cổ phần ; 70 công ty TNHH; 28 doanh nghiệp tư nhân  ; 2 công ty có 100% vốn nước ngoài  ; 10 chi nhánh và 19 HTX phi nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp khá đa dạng có 48 doanh nghiệp CN - TTCN chiếm 33,8%; 69 doanh nghiệp TM - DV, chiếm 48,6%; 18 doanh nghiệp xây dựng, chiếm 12,7%; lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp 3 đơn vị, chiếm 2,1%; lĩnh vực vận tải 4 đơn vị, chiếm 2,8%.

Nguồn vốn của các doanh nghiệp chủ yếu là nguồn vốn tự có, vốn vay tín dụng và vốn huy động đóng góp của các cổ đông, vốn liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh. Tổng số vốn của các doanh nghiệp năm 2009 ước đạt khoảng 210 tỷ đồng; trong đó 25 doanh nghiệp có vốn dưới 500 triệu đồng, chiếm 17,6%; 62 doanh nghiệp có vốn từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, chiếm 43,6%;  55 doanh nghiệp có vốn 1 tỷ đồng trở lên, chiếm 38,7%. Cơ cấu bộ máy quản lý gọn nhẹ, phù hợp với năng lực của từng doanh nghiệp.

Trong các năm gần đây, số doanh nghiệp phát triển nhanh chủ yếu là các doanh nghiệp trong làng nghề. Các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường, một số công ty  như Thêu Mỹ Long, Tuấn Dương... đã vươn ra ký hợp đồng trực tiếp với các công ty nước ngoài, tạo đà cho nghề, làng nghề phát triển theo. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong SXKD, nhưng các doanh nghiệp tại Vũ Thư đã chủ động nắm bắt thị trường, tích cực đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh và ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển, tăng trưởng kinh tế của huyện, từng bước khẳng định vai trò trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Năm 2009 giá trị sản xuất CN - TTCN Vũ Thư đạt 554,3 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp của khối doanh nghiệp với giá trị sản xuất đạt 158,45 tỷ đồng chiếm 29,5% giá trị sản xuất toàn ngành. Nhiều loại hàng hóa có số lượng tăng khá cao như sản xuất vật liệu xây dựng tăng 21,2%, dệt may tăng 39,4%, chế biến lâm sản tăng 31,6%... Có 12 doanh nghiệp  do Chi cục thuế Vũ Thư quản lý có số thu ngân sách từ 100 triệu đến 500 triệu đồng. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư tiền vốn để trang bị phương tiện và dây chuyền sản xuất công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Hoạt động của các DN sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ cũng có bước chuyển biến tích cực, hàng hóa trên thị trường phong phú đa dạng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2009 đạt 398 tỷ đồng, tăng 14,5% so năm 2008. Các DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, bưu chính viễn thông và tài chính, tín dụng trong năm qua đã tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động và đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Doanh thu năm 2009 đạt gần 200 tỷ đồng, tăng 12% so năm 2008. Các sản phẩm truyền thống như: Thêu, may mặc, mây tre đan, hàng thủ công mỹ nghệ của khu vực 30 làng nghề vẫn giữ được thị trường tại các nước EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các doanh nghiệp trên địa bàn góp phần tạo việc làm cho hơn 7.500 lao động, mức thu nhập bình quân từ 800 nghìn -1 triệu đồng/người/tháng. Có 9 doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn gồm 2100 đoàn viên, 26 doanh nghiệp thực hiện chế độ bảo hiểm cho người lao động gồm 3500 người được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp có quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ. Mặt bằng sản xuất một số doanh nghiệp nghề thêu còn chật hẹp (dưới 500 m2). Công nghệ sản xuất của nhiều doanh nghiệp  chưa hiện đại, năng lực cạnh tranh trên thị trường thấp. Ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ yếu tập trung sản xuất sản phẩm công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp, làm gia công như dệt, may công nghiệp, thêu, sản xuất chỉ may, chỉ thêu và gia công cơ khí nhỏ.

Doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm chậm phát triển; doanh nghiệp thương mại chủ yếu kinh doanh xăng dầu, nhà nghỉ; doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản chưa có. Trình độ quản lý của nhiều chủ doanh nghiệp hạn chế nhiều mặt...

Trước xu thế hội nhập kinh tế và thách thức của cơ chế thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục nâng cao năng lực điều hành, định hướng đầu tư đúng để đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tạo thế chủ động trong hội nhập khu vực và quốc tế. Tăng cường liên danh, liên kết tạo ra sản phẩm mũi nhọn mang tính đột phá, đưa doanh nghiệp phát triển theo xu thế bền vững. Đặc biệt đầu tư sản xuất phải coi trọng công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Vũ Thư chủ trương năm 2010 thành lập Hội doanh nghiệp huyện, phát triển thêm 5-7 doanh nghiệp đi đôi với mở rộng phát triển làng nghề, xã nghề tạo việc làm cho 4000 lao động. Huyện tiếp tục giải quyết mặt bằng các dự án ở cụm công nghiệp huyện đã quy hoạch để thu hút từ 3-5 doanh nghiệp vào đầu tư cụm công nghiệp, góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp tập trung.

Tạo hành lang pháp lý tốt nhất để các doanh nghiệp trong làng nghề phát triển, hỗ trợ kinh phí để các xã du nhập, học nghề mới. Tiếp tục đôn đốc 7 xã hoàn tất thủ tục để xây dựng nâng cấp chợ nông thôn, tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng.

Thu Hương

  • Từ khóa