Thứ 7, 16/11/2024, 14:21[GMT+7]

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi Cách làm giàu của nông dân Hồng An

Thứ 2, 27/09/2010 | 16:34:20
2,927 lượt xem
Về Hồng An ( Hưng Hà) vào bất cứ thời điểm nào trong năm, chúng tôi đều thấy những người nông dân bám sát đồng ruộng để sản xuất, mùa nào thứ đó, từ cây màu vụ đông đến vụ màu, lúa xuân, vụ hè... cho giá trị hàng trăm triệu đồng/ ha/ năm.

Muốn vận động các hộ nông dân làm giầu ngay trên những mảnh đất của mình cần phải tạo ra các mô hình có sức thuyết phục để mọi hội viên tham gia.

Có được những cành đồng trù phú, những trang trại sản xuất quy mô lớn như ngày nay là sự đóng góp không nhỏ của Hội nông dân Hồng An trong việc triển khai tới hội viên thực hiện tốt các phong trào thi đua của hội cấp trên phát động và nghị quyết của huyện, xã  ban hành về phát triển kinh tế.

Không phải bây giờ mà đã từ lâu, nông dân Hồng An đã có phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xen canh mùa vụ để sản xuất cho giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Hồng An là xã đầu tiên trong huyện Hưng Hà xây dựng thành công cánh đồng 50 triệu/ ha/năm.

Với sự cần cù, ham học hỏi của người dân nên khi có những phong trào mới, chủ trương mới là bà con nông dân tích cực hưởng ứng ngay bằng những việc làm, hành động cụ thể. Những điều này đã được 2800 hội viên Hội nông dân Hồng An khẳng định trong những năm qua, thông qua phong trào nông dân thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi và thực hiện Nghị quyết 01 của BCH Đảng bộ huyện về 4 mũi nhọn đột phá tăng trưởng kinh tế.

Hàng năm tỷ lệ gia đình hội viên nông dân tham gia đăng ký đạt 95% so với tổng số hội viên và đã có trên 60% số gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong phát triển kinh tế đồng, bà con nông dân đã luôn tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thâm canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hội nông dân xã cùng với HTX dịch vụ nông nghiệp đã quy hoạch, xây dựng nhiều vùng sản xuất giống lúa, vùng lúa chất lượng cao như TBR1 và ở vụ xuân 100% diện tích được cấy bằng các giống lúa ngắn ngày, vụ mùa cấy các giống lúa thơm cho chất lượng gạo ngon làm hàng hóa, năng suất bình quân đạt gần 13 tấn/ ha/năm. Với phong trào trồng cây vụ đông đã có 100% gia đình hội viên tham gia và hàng năm đã gieo trồng đạt 90% diện tích đất canh tác, tạo ra 5 vùng sản xuất chuyên canh cây màu cho giá trị kinh tế cao, mỗi vùng rộng trên 7 ha, như vùng sản xuất cà chua, ớt, dưa bao tử xuất khẩu rộng trên 12 ha.

Từ sản xuất hai vụ lúa và các vụ cây màu trong năm, hiện nay Hồng An đã tạo ra được 5 cánh đồng cho giá trị sản xuất đạt trên 100 triệu đồng/ ha/ năm, tính bình quân đạt 78 triệu đồng/ ha/ năm trên toàn bộ diện tích canh tác của xã. Nông dân ở đây không chỉ giỏi làm kinh tế đồng, trong phát triển kinh tế VAC cũng phát triển rất mạnh và là hướng đi chính của nhiều hộ để làm giầu. Hội nông dân xã đã vận động bà con tích cực cải tạo vườn, ao hoang hoá để đưa cây, con mới vào sản xuất, dần hình thành lên các trang trại, gia trại cho thu nhập cao. Năm 2007, Hồng An mới có 72 trang trại, đến năm 2009 cả xã đã tăng lên 172 trang trại, gia trại, trong đó có 111 hộ  thường xuyên nuôi từ 50 con lợn đến 200 con lợn trở lên.

Điển hình trong phát triển kinh tế trang trại như chị Thắm, thôn Việt Thắng, với mô hình tổng hợp, vừa nuôi cá, nuôi lợn và sản xuất gạch, hàng năm thu lãi trên 200 triệu đồng; hộ anh Triển, thôn Bắc Sơn, trồng 25 mẫu chuối xuất khẩu, bình quân cho lãi trên 100 triệu đồng/ năm. Đặc biệt năm 2008, Hồng An có Nghị quyết về tập trung phát triển một cây, một con và giao cho Hội nông dân xã triển khai tổ chức thực hiện. Hội nông dân đã đứng ra hợp đồng với cán bộ kỹ thuật ghép nhãn Hà Tây, Hưng Yên về lai ghép, đưa giống về phục vụ nông dân.

Đến nay, các hộ nông dân ở đây đã ghép được 20 nghìn cây nhãn muộn và cải tạo được 10% vườn nhãn truyền thống. Kết quả về nghị quyết phát triển một cây đã được những người nông dân tiếp thu, triển khai cho hiệu quả rõ rệt, như năm 2009 giá nhãn muộn bán 40 nghìn đồng/ kg, cao gấp 5 lần giá nhãn truyền thống. Đối với phát triển một con, bà con đã tập trung phát triển đàn bò lai sin  thay thế dần đàn bò truyền thống và đến nay cả xã có 1700 con bò lai sin, trở thành xã có đàn bò lớn nhất huyện.

Để có được những kết quả trên, theo kinh nghiệm của Hội nông dân Hồng An cho thấy, muốn vận động các hộ nông dân làm giầu ngay trên những mảnh đất của mình cần phải tạo ra các mô hình có sức thuyết phục để mọi hội viên tham gia. Bên cạnh đó là những hành động thực tiễn  bằng việc giúp đỡ bà con về kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng. Cụ thể trong 3 năm, hội đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng mở 60 lớp thu hút gần 5 nghìn lượt hội viên tham gia về chuyên đề sản xuất vụ xuân, vụ mùa, vụ đông, thú y, cây con mới...

Ngoài ra, để phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi có sức lan toả nhanh, cán bộ hội viên nông dân đã luôn gương mẫu đi đầu, 100% cán bộ hội  làm cây vụ đông, tham gia đầy đủ các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt Nghị quyết một cây, một con.
   

Nguyên Bình
 

 

  • Từ khóa