Thứ 7, 16/11/2024, 14:52[GMT+7]

Về lại Nam Cường

Thứ 3, 28/09/2010 | 08:55:07
1,992 lượt xem
Có dịp về lại Nam Cường (Tiền Hải), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi mới của vùng quê nơi cửa biển. Mảnh đất xưa kia là cây lau, cây sậy giờ đã mọc lên những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ.

Nhờ mạnh dạn phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân Nam Cường ngày càng được cải thiện, nâng cao Ảnh: Thành Tâm

Xưa kia, để đến được Nam Cường thật vất vả bởi đường đá gồ ghề khó đi thì nay xe của chúng tôi cứ việc “bon bon” thẳng tiến trên con đường đã được mở rộng và bê tông hoá. Nam Cường còn như đẹp hơn bởi được “trang điểm” bằng những đầm, hồ nuôi tôm, nuôi cá lung linh như ánh bạc dưới ánh nắng. Nơi đó đã góp phần không nhỏ đưa lại cuộc sống ấm no cho người dân và tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất nơi đây.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hoàng Ngọc Sang cho biết: “Đặc thù là xã ven biển, Nam Cường có đủ điều kiện để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản. Trước đây, toàn xã có  105 ha bị nhiễm mặn nên cấy lúa không cho hiệu quả cao.

Do đó, cùng với những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân đầu tư nuôi trồng thuỷ sản như hỗ trợ khi gặp rủi ro; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật..., Nam Cường còn tích cực khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả thành các đầm nuôi tôm, nuôi cá. Hướng đi này đã làm cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây đổi thay và phát triển nhanh chóng”.

Qua tìm hiểu được biết, hiện toàn xã có gần 130 ha nuôi trồng thuỷ sản cho sản lượng bình quân hàng năm khoảng 100 tấn. Trong đó, diện tích nuôi ngao gần 10 ha hàng năm mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người nuôi trồng. Những “con vàng”, “con bạc” đã giúp cuộc sống của người dân nơi đây bớt nhiều những “chuỗi ngày” vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Những gì thu được từ phát triển thuỷ sản đã tạo nên động lực to lớn để người dân Nam Cường tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư phát triển ngành nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao này. Bên cạnh đó, các ngành nghề dịch vụ của xã cũng phát triển đa dạng với các nghề như làm thuyền, móc sợi, nghề mộc... thu hút thường xuyên khoảng 800 lao động.

Với phần nhiều diện tích đất bị nhiễm mặn, làm sao để có thể tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp là bài toán không hề đơn giản cho Đảng bộ, chính quyền nơi đây. Sau bao ngày trăn trở, Đảng bộ và nhân dân Nam Cường đã đồng lòng, quyết tâm bên cạnh việc phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản thì Nam Cường cũng rất chú trọng lĩnh vực trồng trọt.

Nhờ tích cực tiếp cận với tiến bộ khoa học, Nam Cường tiến hành đưa những giống lúa có năng suất cao vào gieo trồng. Hướng đột phá này đã tạo bước nhảy vọt trong phát triển nông nghiệp. Gần đây nhất là vụ lúa xuân năm 2009, dù gặp phải không ít khó khăn như thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn nước tưới bị nước mặn thẩm thấu..., song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành nên nông dân Nam Cường đã chủ động gieo mạ cấy kết thúc đúng lịch thời vụ, xã cũng quan tâm công tác điều hành nước phục vụ sản xuất bám sát với thực tế, đồng thời chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh.

Nhờ đó, năng suất bình quân vụ lúa xuân đạt 62,5 tạ/ha. Kết quả đó tạo sự phấn khởi, đồng thời tạo niềm tin cho nhân dân thêm phần tích cực  phát triển kinh tế. Cùng với trồng trọt, Nam Cường đã quan tâm tạo bước chuyển dịch, mở ra hướng đột phá trong phát triển chăn nuôi nhằm hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá toàn diện và bền vững. Trong đó, chủ yếu là phát triển chăn nuôi bò và lợn. Đến nay, toàn xã có trên 30 trang trại, gia trại và trên 160 hộ nuôi lợn nái sinh sản. Đàn trâu, bò của xã có 65 con; đàn gia cầm phát triển mạnh và đa dạng với gần 4.000 con.

Điều đáng ghi nhận là ngành chăn nuôi ở đây đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Nhờ mạnh dạn phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân Nam Cường ngày càng được cải thiện, nâng cao. Nếu như trước đây thu nhập bình quân chỉ tầm 5 triệu đồng/người/năm thì nay con số đó đã được nâng lên đạt 8,5 triệu/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trước ở mức cao 19%, nay giảm xuống còn 10,2%.

Sự phát triển kinh tế đúng hướng đã góp phần để Đảng bộ và nhân dân Nam Cường thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động văn hoá xã hội. Kinh tế phát triển, nhận thức của người dân được nâng cao. Hiện toàn xã đã có trên 90% số hộ dùng nước hợp vệ sinh; trên 51% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Các công tác như y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá đạt trên 71%.

Về thăm Nam Cường, mừng với những đổi thay của vùng quê cửa biển. Chia tay Nam Cường, chúng tôi mang theo niềm tin tưởng, niềm hy vọng của Đảng bộ và nhân dân Nam Cường: Những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ là động lực để Nam Cường tự hào, tự tin phấn đấu đạt được kết quả cao hơn nữa trong việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và khẳng định mình trong sự hội nhập.

Mai Thư

 

  • Từ khóa