Thứ 7, 23/11/2024, 10:16[GMT+7]

Tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết

Thứ 4, 25/12/2013 | 11:06:57
576 lượt xem
Ngày 24/12, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị tới các đơn vị trực thuộc nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu Giám đốc các Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn theo quy định của Luật Giá.

 

Cụ thể, thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết trên địa bàn. Qua đó kịp thời tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh giải pháp bình ổn thị trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng gây tăng giá đột biến bất hợp lý.

 

Đối với các địa phương có triển khai Chương trình bình ổn thị trường, cần tăng cường giám sát và tổ chức thực hiện. Trong đó lưu ý, triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí; kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bán hàng hóa với giá cả và chất lượng theo đúng cam kết của Chương trình; thực hiện các chính sách hỗ trợ, kết hợp với tổ chức các hình thức bán hàng lưu động đưa hàng hóa về khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu đông dân cư; tích cực và chủ động đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa Chương trình bình ổn thị trường, khuyến khích doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường mà không nhận hỗ trợ vốn vay hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn từ ngân sách nhà nước.

 

Bộ Tài chính cũng yêu cầu có sự phối hợp với các đơn vị liên quan (Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 127, Hải quan, Thanh tra, Công an, Thuế...). Theo đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, lương thực, thực phẩm, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, Gas, phí trông giữ xe đạp, ô tô, xe máy và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất như: xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật...

 

Đặc biệt, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tăng giá, phí, lệ phí tùy tiện, trái pháp luật, nhất là thời gian cao điểm trong dịp Tết; công bố công khai đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Thực hiện nghiêm, triệt để công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng ma túy, vũ khí, chất nổ, hàng hóa vi phạm môi trường, khoáng sản, động vật hoang dã, các mặt hàng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu bia, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu.

 

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý thu, kiểm soát thu NSNN, ngăn chặn việc gian lận, trốn thuế, nợ đọng thuế và chuyển giá.

 

Chỉ thị cũng nêu rõ các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính cần tích cực phối hợp với các sở, ban ngành liên quan giám sát chặt chẽ đăng ký giá, kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ được trợ cước, trợ giá thuộc thẩm quyền quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

 

Các trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế xã hội tại địa phương. Kiên quyết dừng các phương án tăng giá khi tiếp nhận đăng ký giá, kê khai giá mà các yếu tố hình thành giá không thay đổi.

 

Nguồn dangcongsan.vn

  • Từ khóa