Thứ 7, 23/11/2024, 10:24[GMT+7]

Nhận diện tăng trưởng của xuất khẩu dịch vụ

Thứ 6, 27/12/2013 | 09:22:02
636 lượt xem
Xuất khẩu dịch vụ đã tăng gần như liên tục qua các năm, chỉ bị ngắt quãng (giảm) vào năm 2009 do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê

Ước năm 2013 so với năm 2005, xuất khẩu dịch vụ đã tăng 146,2%, bình quân 1 năm tăng 11,9%. Đó là tốc độ tăng khá, cao hơn tốc độ tăng GDP của nhóm ngành này trong thời kỳ 2006-2010 tăng 11,8%/năm. Thời kỳ 2011-2013 tăng 12,1%/năm, cũng cao hơn thời kỳ 2006-2010.

 

Xuất khẩu dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và có xu hướng tăng lên nhanh chóng (năm 2005 chiếm 53,9%, năm 2010 chiếm 59,7%, năm 2013 chiếm 71,7%).

 

Đạt được kết quả này do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày một đông (năm 2005 đạt 3,48 triệu lượt người, năm 2010 đạt 5,05 triệu lượt người, năm 2013 ước đạt trên 7,57 triệu lượt người, bình quân thời kỳ 2006-2013 tăng 10,2%/năm). Có nguyên nhân do chi tiêu bình quân 1 ngày của khách tăng khá (năm 2005 là 76,4 USD/ngày, năm 2009 là 91,3 USD/ngày, năm 2011 là 105,7 USD/ngày) và chi tiêu bình quân một lượt khách cũng tăng khá (năm 2005 đạt 661,4 USD, năm 2010 đạt 882,1 USD, năm 2011 đạt 913,5 USD, năm 2012 đạt 1.000 USD, ước năm 2013 đạt 994,4 USD).

 

Một số dịch vụ đã có xuất siêu, như dịch vụ du lịch (năm 2005 xuất siêu 1,4 tỷ USD, năm 2010 xuất siêu 2,98 tỷ USD, ước 2013 xuất siêu 5,48 tỷ USD); dịch vụ bưu chính viễn thông (năm 2005 xuất siêu 69 triệu USD, năm 2010 xuất siêu 58 triệu USD, ước năm 2013 xuất siêu 102 triệu USD).

 

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này cũng có một số điểm cần lưu ý.

 

Cụ thể là: Dịch vụ vận tải Việt Nam ở vị thế nhập siêu lớn (nếu năm 2005 nhập siêu mới ở mức 1.023 triệu USD, thì năm 2010 lên đến 4.290 triệu USD, năm 2011 là 5.999 triệu USD, năm 2012 là 6.645 triệu USD, ước năm 2013 lên đến 6.930 triệu USD. Đây là một cảnh báo quan trọng, trong điều kiện xuất nhập khẩu hàng hoá liên tục tăng, nhưng thị phần vận tải do Việt Nam đảm nhận lại giảm, trong khi thị phần này lại “rơi” vào tay của các đơn vị vận tải nước ngoài.

 

Một số dịch vụ khác (như dịch vụ tài chính, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ Chính phủ...), kim ngạch xuất khẩu còn nhỏ bé và Việt Namon> vẫn ở vị thế nhập siêu.

 

Bên cạnh đó, quy mô xuất khẩu dịch vụ còn nhỏ bé với tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu nói chung còn thấp và bị giảm xuống (năm 2005 chiếm 11,6%, năm 2010 chiếm 9,4%, năm 2011 còn 8,2%, năm 2012 còn 7,7%, năm 2013 ước còn 7,4%).

 

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ so với GDP do nhóm ngành, dịch vụ tạo ra còn thấp (năm 2005 chiếm 19,7%, năm 2010 chiếm 17,8%, ước 2013 chiếm 14,2%). Các tỷ lệ này có xu hướng giảm. Đây là điều cần chú ý trong điều kiện mở cửa hội nhập về dịch vụ ngày một sâu rộng hơn.

 

Để tăng quy mô kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu trong lĩnh vực dịch vụ, cần quan tâm hơn nữa đến việc chủ động phát triển vận tải viễn dương và các dịch vụ khác có liên quan, giành lại thị phần, trước hết đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

 

Nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa