Thứ 7, 16/11/2024, 13:51[GMT+7]

Đông Hà Đi lên từ nghề chiếu

Thứ 4, 03/11/2010 | 08:48:12
5,535 lượt xem
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 14%/năm giai đoạn 2010 -2015, trong thời gian tới Đông Hà đặc biệt chú trọng tới sự phát triển của làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh doanh đến thu mua chiếu tạị xã, giúp nông dân về đầu ra cho sản phẩm.

Máy dệt chiếu công nghiệp tại doanh nghiệp chiếu cói Minh Quang xã Đông Hà.

Về Đông Hà ( Đông Hưng) đúng vào dịp đầu vụ mùa, không khí nơi đây có vẻ náo nhiệt hơn, mọi người đều đổ ra đồng gặt lúa. Những hạt thóc vàng,  trĩu bông báo hiệu người dân Đông Hà lại có một vụ mùa bội thu.

 

Quang cảnh và đời sống của người dân nơi đây đang dần thay đổi:  đường làng ngõ xóm khang trang hơn, xuất hiện nhiều nhà cao tầng, mái bằng mọc lên san sát, báo hiệu một sức sống mới đang tràn về. Theo chủ tịch UBND xã Đặng Trọng Thức đó chính là dấu hiệu của sự phát triển nghề, bao lâu nay người dân Đông Hà vốn gắn bó đi lên cùng nghề dệt chiếu cói.    

 

Có thể nói trước đây lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vị trí chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của Đông Hà, nhưng đến nay lĩnh vực này đang có xu hướng giảm dần, thay vào đó là sự phát triển đi lên từ tiểu thủ công nghiệp - làng nghề.  

 

Theo dân gian truyền khẩu rằng nghề dệt chiếu cói ở Đông Hà có từ rất lâu, vùng đất này trước đây rất thích hợp cho việc trồng cói và đã từng là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho chiếu cói ở Tân Lễ - Hưng Hà. Qua bao năm người dân Đông Hà đã coi đây là nghề chính và là nguồn thu nhập chính trong mỗi gia đình. Cho tới năm 2003, sau khi được UBND tỉnh công nhận làng nghề, nhân dân trong xã có thêm động lực để phát triển nghề hơn.

 

Đặc biệt những năm qua, Đông Hà  tận dụng nghề sẵn có, tuyên truyền nhân dân phát triển nghề để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương giai đoạn 2005-2010 lên 12,1%, vì thế đến nay nghề dệt chiếu đã lan ra khắp xã. Hiện tại 6/6 thôn đều tham gia sản xuất chiếu cói với trên 1000 hộ, chiếm 80% tổng số hộ với trên 2000 lao động, trung bình một hộ có một khung dệt, 2 lao động/khung sản xuất ra 10 lá chiếu/ngày với mức thu nhập bình quân đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 2 lần so với năm 2005.

 

Ngoài ra, Đông Hà còn có trên 20 đại lý,1 doanh nghiệp kinh doanh cung ứng cói chẻ và thu mua chiếu. Với đà sản xuất như trên, trung bình Đông Hà sản xuất được 2 triệu lá chiếu/năm, tăng 300.000 lá chiếu so với năm 2005, góp phần đưa giá trị sản xuất từ nghề của xã lên ngày một cao: năm 2005 đạt 20 tỷ, năm 2007 đạt 27.9 tỷ và tới năm 2009 tăng lên 35. tỷ đồng; đồng thời cơ cấu kinh tế của xã cũng đã có bước thay đổi tích cực: CN-TTCN lần đầu tiên vươn lên chiếm 42,2%, đi sau là nông nghiệp chiếm 39,8% và thương mại dịch vụ chiếm 18%. 

 

Có được kết quả trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ qua, Đảng ủy, chính quyền xã Đông Hà đã đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 01 của BTV Tỉnh ủy và chương trình hành động về phát triển ngành nghề. Đảng ủy đã có các nghị quyết, chuyên đề, UBND xã có các chương trình về hành động về khôi phục và phát triển nghề và làng nghề.

 

Thực hiện tốt công tác chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể về phát triển nghề; đồng thời có chính sách khuyến khích, động viên hỗ trợ và tạo điều kiện hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề nên mặc dù khó khăn về nguồn nguyên liệu nhưng nhân dân trong xã đã tự liên kết tìm kiếm được thị trường ở các nơi như Tiền Hải, Thái Thụy và Thanh Hóa để duy trì nghề.

 

Tuy nhiên, lợi thế ở nghề dệt chiếu đó chính là nguồn lao động, bất kể lứa tuổi nào cũng có thể làm được và làm tại nhà trong những lúc nông nhàn. Vì thế nghề dệt chiếu ở Đông Hà luôn duy trì phát triển tốt và ngày càng đạt hiệu quả kinh tế cao.

 

Nhiều hộ chuyên thu gom chiếu xuất sang Tân Lễ - Hưng Hà đã hàng chục năm nay, lợi nhuận đạt trên dưới 100 triệu đồng/năm như bác Hoàng Nhân Hưng thôn Liên Hoàn, Nguyễn Văn Tri thôn Bắc Song, Chu Văn Liêm thôn Đồng Tâm. Đặc biệt trong xã đã xuất hiện doanh nghiệp chiếu cói Minh Quang trong hơn 3 năm qua đã đầu tư trên 3 tỷ đồng xây trên 500m2 nhà xưởng, mua 12 máy công nghiệp, trung bình mỗi năm nhập 400- 500 tấn cói, xuất 250.000 lá chiếu đưa tổng doanh thu bình quân đạt 4 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm tại xưởng cho 40 lao động và 260 lao động vệ tinh với mức thu nhập bình quân 1,7 triệu đồng/người/tháng.

 

Nhờ có sự phát triển của làng nghề nên đời sống của người dân trong xã đã thay đổi đáng kể. Hiện tại giá trị sản xuất bình quân đầu người ở Đông Hà đạt 19, 1 triệu đồng/năm, tăng 7,8 triệu đồng so với mục tiêu đại hội đề ra. 100% hộ có ti vi; 95% số hộ có xe máy, tăng 20%; 8 hộ có ô tô, tăng 6 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo còn 10,6%, giảm 3,4%; không còn hộ nhà tranh vách đất; 100% hộ có nhà tắm, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, tăng 30%; 75% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tăng 20%; 3/3 chùa đạt chùa cảnh 4 gương mẫu, trong đó 1 chùa là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 14%/năm giai đoạn 2010 -2015, trong thời gian tới Đông Hà đặc biệt chú trọng tới sự phát triển của làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh doanh đến thu mua chiếu tạị xã, giúp nông dân về đầu ra cho sản phẩm. Phấn đấu giai đoạn 2010-2015, Đông Hà sẽ đạt 2,5 triệu lá chiếu trở lên/năm, đưa tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân đạt 21,1%/năm.

Thu Thủy

  • Từ khóa