Thứ 7, 16/11/2024, 13:41[GMT+7]

Thái Thụy Quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Thứ 2, 06/12/2010 | 08:48:38
2,719 lượt xem
Trong 5 năm 2005-2010, Thái Thụy đã đẩy mạnh công tác quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Nhiều khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, sản xuất hiệu quả được hình thành thay thế cho phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng, phân tán những năm trước đây

Khu chăn nuôi tập trung của xã Thụy Thanh (Thái Thụy). Ảnh: Ngọc Trâm

Theo chân cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, chúng tôi về Thụy Ninh, nơi có khu chăn nuôi tập trung hiện được đánh giá là hiệu quả nhất trong 7 khu chăn nuôi tập trung thí điểm của tỉnh. Bí thư Đảng uỷ xã Phạm Văn Ngọ cho biết: trước đây cả khu chăn nuôi là vùng đất úng trũng ven sông Hoá, cấy lúa kém hiệu quả.

 

Sau 5 năm quy hoạch chuyển đổi sản xuất, đến nay khu chăn nuôi có 23 hộ đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp: với tổng diện tích 11,7 ha, bình quân mỗi trang trại 0,46 ha. Ngoài 4 tỷ đồng Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mỗi chủ trang trại đã bỏ ra từ 400 đến 500 triệu đồng để sản xuất theo quy mô lớn. Khu chăn nuôi tập trung Thụy Ninh thường xuyên nuôi từ 130 đến 150 lợn nái, 3.500 đến 4.000 lợn thịt, 15.000 gia cầm thịt và trên 3.000 gia cầm sinh sản.

 

Hàng năm, cung ứng cho thị trường khoảng 2.600 con lợn sữa, trên 700 tấn thịt lợn hơi xuất chuồng, trên 70 tấn gia cầm thịt, gần 400.000 quả trứng gia cầm thương phẩm và trên 30 tấn cá các loại. Với cách tổ chức sản xuất hiệu quả như vậy, mỗi năm các chủ trang trại thu lãi từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, sau khi đã trừ mọi chi phí.

 

Hiệu quả không kém khu chăn nuôi  Thụy Ninh, hiện nay khu chăn nuôi Thái Thọ  được quy hoạch trên diện tích 50ha tại cánh đồng thôn Giáo Lạc. Trong đó, 12,6 ha đã giao đất xây dựng 2 trang trại sản xuất hiệu quả, mỗi năm cung ứng ra thị trường 19.500 con lợn sữa, 250 tấn lợn thịt, 3,5 tấn gia cầm thịt và gần 45 tấn cá nước ngọt các loại.

 

Cùng với 2 khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn nói trên, thời gian qua, Thái Thụy đã chỉ đạo  quy hoạch mỗi xã từ 1 đến 2 khu chăn nuôi tập trung gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo mô hình nông thôn mới. Hiện nhiều khu chăn nuôi đang sản xuất hiệu quả như ở Thụy Thanh, Thụy Hưng, Thái Hồng, Thái Thủy....; các khu chuyển đổi Thụy Sơn (49,7ha), Ba Đạc 80 (70 ha) đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đang tổ chức sản xuất được 9,5 ha....

 

Nhờ những nỗ lực đẩy mạnh quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung nên mặc dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, thị trường, nhưng chăn nuôi của Thái Thụy vẫn đạt được những kết quả toàn diện, tăng nhanh về  số lượng đàn và hiệu quả sản xuất, chuyển mạnh từ  quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung, sản xuất hàng hoá. Bên cạnh đó hình thành mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân với các công ty sản xuất giống, thức ăn nuôi theo hình thức chăn nuôi gia công.

 

Tại các vùng chuyển đổi, nhiều giống vật nuôi mới được đưa vào nuôi thả như: bò lai Sind, lợn siêu nạc, lợn nái ngoại, gà vịt siêu trứng... đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Đến nay, Thái Thụy đã xây dựng 5.250 gia trại, trang trại chăn nuôi tổng hợp. Nếu như năm 2005, sản lượng thịt gia súc, gia cầm xuất chuồng toàn huyện đạt 15.398 tấn, 21.188 ngàn trứng gia cầm thì đến năm 2010 tăng lên đạt 27.769 tấn thịt và 31.200 ngàn quả trứng. Giá trị sản xuất toàn ngành cũng tăng mạnh từ  191,103 tỷ đồng (chiếm  28,81% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp) lên đạt 265 tỷ đồng (chiếm 35,86% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp).

 

Từ những kết quả đạt được,  những năm tới Thái Thụy chủ trương tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi với quy hoạch nông thôn mới. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 344 tỷ đồng, chiếm 38,39% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, xây dựng được 7 đến 10 khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, trong đó có từ 7 đến 10 trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp, 5 đến 10 trang trại chăn nuôi gia cầm công nghiệp.

 

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ, trình độ KHKT cũng như phương thức quản lý của người nông dân còn nhiều hạn chế, công tác thú y-phòng dịch còn nhiều bất cập... Thái Thụy còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện được những mục tiêu trên. Trước hết, các xã, thị trấn cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch vùng đất để phát triển chăn nuôi trang trại, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

 

Tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ các địa phương  một phần kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng khi quy hoạch khu chăn nuôi tập trung. Hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các chủ gia trại để họ có thể thế chấp  vay vốn mở rộng quy mô sản xuất. Một điều quan trọng nữa là Thái Thụy cần hỗ trợ, tăng cường tập huấn cho người chăn nuôi, chủ các gia trại, trang trại cách thức tổ chức sản xuất, phương thức quản lý, kiến thức chăm sóc, phòng chống dịch bệnh...

 

Đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển chăn nuôi dưới các hình thức liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa