Thứ 7, 16/11/2024, 11:35[GMT+7]

Thị trường các thiết bị khắc phục mất điện Chưa vào mùa hè đã... "nóng"

Thứ 6, 08/04/2011 | 09:48:38
2,332 lượt xem
Nếu như năm 2010, chỉ sau khi quá "bức bối" vì liên tục bị cắt điện, người dân mới đổ xô đi mua các thiết bị khắc phục "sự cố"; thì bước sang năm 2011, từ những tháng đầu năm, người dân đã chủ động giành một khoản chi phí để đầu tư mua các thiết bị "chống mất điện". Và thế là không phải chờ đến… mùa cao điểm, thị trường cung ứng này đã sôi động và rất "nóng” ngay cả khi mưa phùn còn lây rây trong cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông giá rét.

Máy phát điện Honda 5000 kw. Ảnh nguồn internet

Rút kinh nghiệm mùa hè năm 2010, "cung" cần mà "cầu" không đáp ứng nổi, năm 2011, các chủ cửa hàng điện, điện máy cũng như các đại lý ácquy trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng nhập về kho một lượng lớn các thiết bị khắc phục mất điện. Còn các "thượng đế", để không phải thở dài ngao ngán trước tình trạng "khan" hàng như năm trước, cộng với tâm lý mua sớm giá sẽ rẻ hơn nên cũng  đua nhau nhanh chân.

 

Dồi dào về lượng, đa dạng về chủng loại và phong phú về nguồn gốc xuất xứ, các thiết bị khắc phục mất điện không chỉ là quạt tích điện, đèn tích điện; mà còn xuất hiện thêm nhiều thiết bị được ưa chuộng như: máy phát điện, bộ "kích điện"... với gần chục thương hiệu của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam...

 

Dạo một vòng qua các cửa hàng điện, điện máy trên các phố Minh Khai, Lê Lợi, Lê Quý Đôn, Trần Hưng Đạo... và một số ki ốt trong chợ Bo của Thành phố Thái Bình, quả thực mới thấy khách hàng nào cũng là "thượng đế" khi thị trường sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu một cách "hợp túi tiền". Bình dân nhất là mặt hàng quạt và đèn tích điện, hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc với những nhãn mác thường thấy như: Lingqi, Suncar, Midea, Blacker… Giá của các thiết bị này rất "mềm", dao động từ 120.000 - 900.000 đồng/chiếc.

 

Hầu hết các loại quạt tích điện từ to đến nhỏ, từ không xoay chiều đến xoay chiều… đều gắn thêm 1 - 3 bóng đèn nên khi mất điện người sử dụng có thể vừa dùng quạt, vừa dùng đèn trong 6 - 12 tiếng liên tục. Đặc biệt, nếu muốn, người sử dụng có thể mua thêm bao nhiêu bình ắc quy dự phòng (ắc quy rời) tuỳ thích để thay thế kịp thời mỗi khi thiết bị tích điện hết điện với giá 50.000 - 120.000 đồng/bình.

 

Mặc dù giá rẻ, sử dụng tiện lợi, nhưng thiết bị tích điện này đang dần bị "lép vế" khi các thiết bị "đàn anh, đàn chị" như máy phát điện, máy kích điện... xuất hiện. Các chủ cửa hàng đều tiết lộ: Ngay từ những tháng đầu năm, hai mặt hàng này đã bán rất chạy.

 

Giá một máy phát điện sử dụng cho hộ gia đình công suất 2KVA - 5KVA có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan, Nhật, Italia, Hàn Quốc và hàng liên doanh của các công ty trong nước lắp ráp linh kiện các hãng nước ngoài có giá từ 8 - 20 triệu/chiếc. Nếu muốn dùng được cả điều hoà phải đầu tư mua máy có công suất lớn 3KVA - 5KVA; còn sử dụng cho các thiết bị điện thiết yếu như: đèn chiếu sáng, quạt, ti vi, nồi cơm điện... chỉ cần máy công suất dưới 3KVA. Những máy phát điện nhập khẩu nguyên chiếc có nhiều ưu thế nổi trội hơn hẳn: động cơ 4 thì, bình xăng to, ít tốn nhiên liệu, chế độ bảo hành dài hạn... nhưng do giá quá cao nên không phải bất cư thượng đế nào muốn mà cũng có được.

 

Nắm bắt được tâm lý này, các cửa hàng đã nhập về rất nhiều chủng loại máy phát điện đã qua sử dụng của các hãng Honda, Yamaha..; của Trung Quốc với giá dễ chấp nhận hơn:  3-8 triệu/chiếc. Ngoài ra, các cửa hàng còn có dịch vụ cho các cơ quan, trường học thuê máy phát điện công suất lớn 27KVA - 100KVA với giá 10 - 30 triệu/máy/tháng.

 

Tuy nhiên, nếu lấy các tiêu chí so sánh về sử dụng năng lượng, tính thích hợp sử dụng, mức độ ảnh hưởng đến môi trường, mức độ nguy hiểm, chế độ bảo dưỡng, chi phí đầu tư... thì máy phát điện không được khách hàng ưa chuộng bằng bộ "kích điện". Thêm vào đó, khi giá xăng dầu tăng lên kỷ lục mới: 21.300 đồng/lít xăng A92, 21.100 đồng/lít dầu Diezen thì việc mỗi một tiếng chạy máy phát điện mất khoảng 1 lít xăng trở thành... xa xỉ với bộ phận lớn người dân. Kích điện là tên gọi dân dã giành cho thiết bị xung điện, chuyển dòng một chiều thành xoay chiều.

 

Một nhân viên bán hàng siêu thị điện máy cho biết: Với tính năng chuyển dòng điện từ nguồn tích điện một chiều như pin - ắc quy, "kích" thẳng vào mạng điện trong gia đình, "phục hồi" hoạt động các thiết bị khác khi mất điện lưới, kích điện được quảng bá như một thiết bị thay thế hữu hiệu nhất. Nếu như các bộ tích điện thông thường chỉ có thể dùng cho thiểu số các động cơ một chiều, thì gắn thêm kích điện lại có thể dùng thay thế hoàn toàn điện lới như máy phát; nhưng ưu thế là gọn nhẹ hơn, dễ sử dụng hơn, không gây ồn và khói, không phải mua nhiên liệu. Bởi vậy, mặc dù phải mua kèm theo bình ắc quy có giá từ 300.000 - 1.500.000 đồng/bình (tuỳ thuộc vào khả năng tích điện nhiều hay ít) và bộ sạc + kích điện có giá 1.000.000 - 4.000.000 đồng/bộ (tuỳ thuộc vào hãng sản xuất) thì bộ kích điện vẫn là mặt hàng "đắt khách" nhất hiện nay.

 

Thị trường các thiết bị "chống mất điện" đang ngày một "nóng" theo lối có cung ắt có cầu. Do nhu cầu của các thượng đế tăng cao nên giá của mỗi loại thiết bị cũng tăng "chóng mặt". Diễn biến thị trường cuối tháng 3, đầu tháng 4 cho thấy: quạt tích điện tăng 50.000 - 100.000 đồng/chiếc, máy phát điện tăng 300.000 - 500.000 đồng/chiếc, bộ kích điện tăng 200.000 - 400.000 đồng/bộ. Giá cao thì cao thật, tăng nhanh thì cũng nhanh thật, nhưng các thượng đế vẫn không quá băn khoăn, bởi "phòng còn hơn chống"...

 

Quang Minh

 

 

 

  • Từ khóa