Thứ 7, 16/11/2024, 19:56[GMT+7]

Vũ Thư: Người chăn nuôi gồng mình gánh lỗ

Thứ 4, 03/05/2017 | 09:20:24
2,135 lượt xem
Điêu đứng, thua lỗ - đó là những từ miêu tả thực trạng của các hộ chăn nuôi lợn hiện nay. Ảnh hưởng bởi mức giá được cho là thấp kỷ lục khiến nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn trong huyện Vũ Thư phải gồng mình cầm cự trong tình trạng lỗ vẫn phải nuôi, vì không tìm được thương lái để bán.

Vũ Thư hiện còn trên 10.000 con lợn bị tồn chuồng do giá lợn hơi giảm mạnh.

Gần 20 năm chăn nuôi, chưa năm nào ông Đào Văn Tình ở thôn An Để, xã Hiệp Hòa rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như hiện nay. Nhập đàn từ khi giá lợn giống là 1,5 triệu đồng/con, cả đàn lợn thịt 120 con này ông phải đầu tư gần 200 triệu đồng tiền giống. Nhưng đến ngày xuất bán, giá lợn hơi giảm chỉ còn 20.000 đồng/kg, bán cả đàn may ra mới đủ trả tiền lợn giống. Do đó, không chỉ ông Tình mà hầu hết hộ chăn nuôi đang tự xoay xở bằng cách giảm giá trị đầu tư, hãm mức tăng trọng để kéo dài thời gian xuất chuồng đợi giá lên. 

Tuy nhiên đó mới chỉ là giải pháp tình thế. “Một con lợn trung bình phải ăn 3kg cám/ngày, nhưng vì giá lợn hơi giảm quá sâu mà giá thức ăn lại không giảm nên gia đình buộc phải giảm lượng cám xuống 1,7 kg/ngày để duy trì đàn lợn. Thậm chí bây giờ còn phải đi vớt bèo bồng, cây trang về cho lợn ăn” - ông Tình ngậm ngùi chia sẻ.

Được mùa mất giá, có lẽ là điệp khúc không xa lạ với người chăn nuôi. Nhưng thực trạng giá lợn hơi “tụt dốc không phanh” trong 5 tháng liên tục như hiện nay thì chưa bao giờ họ gặp phải. Giá thấp là một chuyện song việc không tìm được thương lái đến mua càng khiến họ hoang mang, lo lắng. Cả tuần lễ liên hệ với thương lái để bán lợn nhưng đàn lợn thịt của gia đình bà Đào Thị Phượng, thôn Nam Hưng, xã Song Lãng vẫn chưa thể xuất chuồng vì bị thương lái ép giá xuống thấp hơn giá thị trường. 

Bà Phượng chia sẻ: 20 năm chăn nuôi chưa bao giờ tôi gặp tình trạng giá tụt sâu như vậy, lại còn bị thương lái ép giá, hôm nay họ báo giá này nhưng ngày mai đến bắt họ lại báo giá khác, người chăn nuôi chúng tôi chẳng biết đường nào mà lần. 

Không thể xuất bán lợn, ông Phạm Đức Quý ở thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa lo lắng cho hay: Giá nào chúng tôi cũng bán, miễn là có người mua và lợn được xuất chuồng chứ cứ tình trạng như thế này chỉ  một vài ngày nữa tôi phải bỏ đói lợn vì không còn tiền mua cám.

Toàn huyện Vũ Thư hiện có 150.000 con lợn, trong đó có trên 10.000 con trên 100kg vẫn chưa thể xuất bán vì giá xuống thấp. Một nghịch lý hiện nay là giá lợn hơi thì giảm mạnh song giá thức ăn chăn nuôi lại không hề giảm, điều này khiến việc cầm cự đàn của hộ chăn nuôi đã khó lại càng khó gấp bội. 

Ông Nguyễn Hồng Đăng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Trước diễn biến bất lợi về giá lợn hơi, ngành chăn nuôi khuyên cáo người chăn nuôi giai đoạn này cần bình tĩnh và vẫn phải duy trì thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêu độc khử trùng môi trường, phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ vắc-xin và áp dụng biện pháp chống nắng nóng không để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi của gia đình.

Đứng trước khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi chọn giải pháp tự thịt lợn để bán, mong gỡ lại phần nào vốn đầu tư. Song việc làm này cũng chỉ giúp đẩy giá lên tương đương với 32.000 đồng/kg lợn hơi, trong khi để hòa vốn phải từ 35.000 - 40.000/kg. Và chắc chắn đây không phải là giải pháp an toàn khi mà hộ nào cũng tự thịt lợn bán trong khi người mua thì có hạn. Giá lợn xuống thấp kỷ lục một lần nữa cho thấy hậu quả của việc phát triển chăn nuôi ồ ạt gây mất cân đối cung - cầu. 

Bên cạnh những giải pháp đã và đang được các ngành chức năng triển khai, các địa phương cần tuyên truyền người dân không vì giá xuống thấp mà bỏ bê chuồng trại, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, tái nhập đàn phù hợp với cung - cầu để giảm bớt rủi ro vì giá cả thị trường.

Tiên Dung

(Đài TTTH Vũ Thư)