Thứ 7, 16/11/2024, 23:01[GMT+7]

Giá lợn hơi tăng mạnh người chăn nuôi vẫn buồn

Thứ 6, 21/07/2017 | 08:13:41
1,768 lượt xem
Một tuần nay, giá lợn hơi trên thị trường bắt đầu tăng, hiện loại lợn có trọng lượng từ 90 - 100kg/con dao động ở mức 40.000 - 41.000 đồng/kg. Những tưởng giá lợn hơi tăng mạnh sẽ là tín hiệu vui cho người chăn nuôi sau gần 8 tháng thua lỗ thê thảm do giá tụt thấp, ngược lại, nông dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khiến nỗi buồn vẫn hiện hữu.

Đàn lợn thịt của huyện Kiến Xương hiện nay giảm 50% so với thời điểm trước khi giá lợn hơi giảm mạnh.

Khi thăm hàng chục hộ chăn nuôi với quy mô gia trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Kiến Xương vào thời điểm giá lợn đang tăng mạnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì hàng loạt chuồng trại trống trơn. 

Ông Nguyễn Văn Kiều, thôn Mỹ Nguyên, xã Quang Trung cho biết: Gia đình bỏ chuồng không nuôi lợn hơn 2 tháng nay vì thua lỗ nặng. Do không còn vốn duy trì chăn nuôi nên gia đình phải bán tháo 40 con lợn để trả tiền thức ăn chăn nuôi và con giống, tính bình quân mỗi con lợn lỗ hơn 1 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Thạc, thôn Trà Đông, xã Quang Trung cũng buồn rầu chia sẻ: Mọi năm gia đình duy trì nuôi 10 con lợn nái và 50 con lợn thịt/lứa. Đợt “bão giá” vừa qua gia đình tôi đã bán hết lợn thịt và lợn nái; bao nhiêu vốn liếng và tiết kiệm nhiều năm chăn nuôi đã trở thành con số không. Vì giá lợn hơi thấp kéo dài nên gia đình quyết định bỏ chăn nuôi lợn.

Giống như tình cảnh của gia đình ông Kiều, ông Thạc, hơn 700 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ và quy mô gia trại của huyện Kiến Xương đã bỏ chuồng không mấy tháng nay. Ông Phạm Văn Thường, khu Giang Đông, thị trấn Thanh Nê cho biết: Giá lợn hơi xuống quá thấp, dù biết lỗ nhưng gia đình vẫn phải bán toàn bộ đàn lợn 100 con để trả nợ. Nay giá lợn hơi tăng nhưng tôi không còn vốn để tái đàn nữa.

Đối với những hộ chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại với số lượng nuôi từ 200 con trở lên có tiềm lực kinh tế duy trì đàn cũng “khóc dở, mếu dở” vì giá lợn hơi tăng cao vào thời điểm này. 

Ông Nguyễn Văn Hướng, chủ gia trại lợn ở khu Tự Tiến, thị trấn Thanh Nê chia sẻ: Để duy trì đàn lợn 200 con, thời gian qua, gia đình đã phải dốc hết vốn liếng và vay mượn tiền của người thân mua thức ăn cho đàn lợn với hy vọng giá lợn sẽ tăng. Nhưng càng đợi giá lợn hơi vẫn thấp kéo dài nên gia đình buộc phải bán 130 con với giá 18.000 đồng/kg. Vừa bán được 3 ngày thì giá lợn hơi trên thị trường tăng vọt, thật quá đắng cay vì chỉ trong gần 1 tuần mà gia đình mất hơn 200 triệu đồng.

Nổi tiếng trong chăn nuôi lợn ở Kiến Xương phải kể đến chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở thôn Công Bình, xã Bình Định với quy mô nuôi 200 con lợn nái ngoại và mỗi lứa nuôi khoảng 4.000 con lợn thịt. Vào thời điểm này, trong chuồng nuôi của gia đình chị chỉ còn 100 con lợn nái và 500 con lợn thịt có trọng lượng từ 40 - 50kg/con và 300 con lợn giống. 

Chị Tâm cho biết: Do không chịu nổi áp lực vốn đầu tư nên gia đình quyết định bán hết đàn lợn thịt và cắt giảm 50% số lợn nái. Bây giờ giá lợn tăng cao thì không còn lợn thịt để bán, lượng lợn giống chỉ đủ để gia đình nuôi, không có để cung cấp cho thị trường.

Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kiến Xương, đến đầu tháng 7/2017, tổng đàn lợn của huyện còn 95.525 con; trong đó, lợn thịt trọng lượng từ 50 - 100kg/con còn 22.565 con, lợn nái còn 28.654 con, giảm 50% so với thời điểm trước khi giá lợn hơi lao dốc. 

Ông Nguyễn Minh Vượng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Hiện nay, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ và gia trại đã bỏ chuồng không, chưa dám đầu tư tái đàn. 500 gia trại và trang trại còn khả năng tài chính muốn tái đàn nhưng cũng cầm chừng do gặp nhiều khó khăn. Ngoài thiếu vốn đầu tư, lo giá cả thị trường bấp bênh, không ổn định thì thị trường con giống thiếu và giá cũng cao (loại lợn sữa thường có giá từ 200.000 - 220.000 đồng/con, lợn sữa giống ngoại, siêu nạc có giá từ 1 - 1,2 triệu đồng/con) khiến cho các hộ chăn nuôi dè dặt khi quyết định mua giống nuôi mới.

Sự sụt giảm số lượng đàn lợn của huyện Kiến Xương cũng là tình trạng chung của các địa phương khác trong tỉnh. Nếu không có sự can thiệp, giúp đỡ kịp thời của nhà nước, các ngành chức năng thì người chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tái đàn. Thiệt hại kép có nguy cơ xảy ra bởi người chăn nuôi khó có cơ hội bù đắp thua lỗ sau đợt “bão giá” vừa qua và người tiêu dùng sẽ phải gánh giá thực phẩm cao vì lượng cung thấp, cầu cao, nhất là vào dịp cuối năm và tết Nguyên đán.

Khắc Duẩn