Chủ nhật, 17/11/2024, 11:39[GMT+7]

Siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia

Thứ 3, 06/02/2018 | 15:22:08
1,070 lượt xem
Những năm qua, Sở Công Thương đã chủ động tích cực đề xuất các chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất rượu, bia, đồng thời đôn đốc việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các đơn vị sản xuất thuộc lĩnh vực quản lý.

Cán bộ Sở Công Thương cùng các lực lượng chức năng kiểm tra thủ tục kinh doanh rượu tại các nhà hàng trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi có Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ, Thông tư số 39/2012/TT-BCT ngày 20/12/2012 và Thông tư số 60/2014/TT-BCT ngày 27/12/2014 của Bộ Công Thương về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn đến năm 2020, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, triển khai văn bản chỉ đạo, điều hành đến các xã, phường, thị trấn. Ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở đã bố trí một số cán bộ được đào tạo phù hợp với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm để quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh bia, rượu. Hàng năm, Sở đều tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu, trong đó năm 2017 đã giao Chi cục Quản lý thị trường làm đầu mối thành lập đoàn thanh tra liên ngành từ tháng 4 đến tháng 5. Kết quả đã kiểm tra 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó phát hiện và xử lý 4 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt khoảng 20 triệu đồng.

Hiện tại, ngoài 3 nhà máy sản xuất rượu công nghiệp là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Công ty Cổ phần Vital Chi nhánh Thái Bình, Công ty Cổ phần Thương mại dược vật tư y tế Khải Hà, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm hộ nấu rượu thủ công nằm rải rác trong các khu dân cư. Tuy nhiên, theo thống kê đến hết tháng 6/2017 toàn tỉnh mới có 3 doanh nghiệp, 6 cơ sở sản xuất rượu thủ công được cấp giấy phép sản xuất và 11 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh rượu. Theo đánh giá của Sở Công Thương, việc quản lý sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn bởi các cơ sở nằm rải rác trong dân, quy mô nhỏ, sản lượng chỉ từ vài trăm lít đến vài nghìn lít/năm. Hầu hết các cơ sở sản xuất rượu không đăng ký kinh doanh và không có các hồ sơ thủ tục trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lấy mẫu phân tích, không ghi nhãn hàng hóa và không dán tem. Vì thế việc kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công tương đối khó. Phần lớn các cơ sở đều thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, an toàn thực phẩm và chưa được đào tạo kiến thức về an toàn thực phẩm cũng như các điều kiện sản xuất, kinh doanh, các hồ sơ, thủ tục cần thiết. Hơn nữa do điều kiện kinh tế khó khăn, quy mô sản xuất nhỏ nên hầu hết các cơ sở nấu rượu để lấy phụ phẩm chăn nuôi vì vậy chưa thực hiện đúng các thủ tục về sản xuất, kinh doanh rượu, lấy mẫu phân tích chất lượng rượu. Đặc biệt, việc áp dụng các quy định của pháp luật trong vấn đề xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí, cơ sở vật chất thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia còn hạn chế, không có nguồn kinh phí riêng hỗ trợ cho việc triển khai, thực hiện, việc lấy mẫu phân tích. Đặc biệt, Sở cũng chưa có các cơ quan chuyên môn để lấy mẫu, phân tích, kiểm nghiệm kết quả.

Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế trên chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ và thiếu sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp chính quyền cơ sở. Hơn nữa, do ngân sách của địa phương có hạn, hiện tại tỉnh chưa bố trí kinh phí cho các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đo lường chất lượng, lấy mẫu phân tích các sản phẩm rượu, đặc biệt là rượu sản xuất thủ công. Để thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này, thời gian tới ngoài việc hoàn thiện dự thảo ban hành luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và các văn bản quy phạm pháp luật còn rất cần các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị, kinh phí bảo đảm phục vụ kịp thời công tác kiểm tra, xử lý.

Thu Thủy