Thứ 7, 16/11/2024, 12:02[GMT+7]

Rau xanh tăng giá Nông dân buồn nhiều hơn vui

Thứ 5, 29/09/2011 | 08:32:15
1,706 lượt xem
Những ngày này, các bà nội trợ không khỏi giật mình khi giá các loại rau xanh đã đã tăng gấp 2 lần so với nửa tháng trước đây. Giá tăng, ngỡ tưởng người nông dân sẽ rất vui nhưng trái lại họ đành ngậm ngùi nhìn ruộng rau của mình úa tàn sau trận mưa lụt không thu nổi một "đồng tiền công" chưa nói gì đến lãi.

Dạo qua các chợ khu vực trung tâm Thành phố như: Đề Thám, Bồ Xuyên, Quang Trung, Hải Sản, Trần Lãm….giá các loại rau tăng từ 1,5 đến 2 lần so với trước đây và đang ở mức khá cao: rau muống từ 3.000đ đến 4.000đ/bó, rau ngót 2.000đ đến 3.000đ/bó, mùng tơi 3.000đ/bó, rau bí 5.000đ/bó, cải bắp 10.000đ đến 12.000đ/kg, ngọn su su 15.000đ/kg. Các loại củ quả cũng tăng từ 3.000đ đến 5.000đ/kg như: củ cải, dưa chuột, bí xanh 10.000đ/kg, su hào 5.000đ/củ, susu 8.000đ/kg, khoai tây 13.000đ/kg, khoai sọ 15.000đ/kg, đỗ quả 20.000đ/kg, cà chua 15.000đ/kg, hành hoa 15.000đ/kg…

 

Lý giải nguyên nhân tăng giá, chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một sạp rau ở chợ Đề Thám cho biết: "Giá rau xanh tăng mạnh là do đang trong thời điểm chuyển vụ, cộng thêm 2 trận mưa lụt vừa qua đã làm thiệt hại đáng kể diện tích rau màu của nông dân nên nguồn cung khan khiếm. Tôi dậy sớm từ 3 giờ ra chợ đầu mối nhưng cũng chỉ mua được một ít, giá tăng gấp 2 lần so với trước đây, mua đắt nên cũng đành phải bán đắt thôi".

 

Mưa nhiều không chỉ khiến rau xanh trên thị trường tăng giá, người tiêu dùng phải chi thêm "hầu bao" cho bữa ăn của mình mà còn gây thiệt hại đáng kể cho những nông dân mưu sinh bằng nghề trồng rau. Tại 2 xã Vũ Phúc, Trung An, những "vựa rau" chính cung cấp cho Thành phố nhưng thời điểm này diện tích rau đến độ thu hoạch không còn, sản lượng giảm đáng kể so với một tháng trước. Sau trận mưa úng, cả cánh đồng rau của xã Vũ Phúc xác xơ. Những luống rau cải, mùi, thì là, xà lách, rau diếp…. của nông dân vừa mới gieo bị mưa san phẳng lỳ. Một số diện tích đến độ bán nhưng chưa kịp thu hoạch gặp mưa cũng thối rễ, úa vàng, héo lá.

 

Dừng tay bên luống đất chuẩn bị gieo lứa rau mới, anh Trịnh Ngọc Hoan ( xóm 8) chia sẻ: " Hai vợ chồng tôi chuyên trồng rau từ nhiều năm nay, với diện tích 6 sào nếu thời tiết thuận, rau bán được giá mỗi năm có nguồn thu từ 50 đến 60 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, rau rẻ quá mà giá phân bón luôn ở mức cao nên làm không ăn thua, đang hi vọng vào lứa rau mùi, thì là, xà lách sớm này thì mưa úng xảy ra nên hỏng hết, ước tính tổng thiệt hại khoảng 10 triệu đồng. Lúc có rau thì bán rẻ, giờ không còn giá lại tăng. Hiện tại, ngày nào hai vợ chồng cũng cặm cụi trên đồng từ sáng đến tối gieo trồng lứa mới, chắc phải 50 ngày nữa mới có rau bán nhưng sợ tới lúc ấy rau lại rẻ, bán chẳng ai mua".

 

Cùng chung cảnh như anh Hoan, hầu hết diện tích rau của nông dân Vũ Phúc đều bị thiệt hại  do trận mưa úng vừa qua, hộ nào trồng ít cũng mất từ 2 đến 3 triệu đồng, hộ nào trồng nhiều mất từ 10 đến 15 triệu đồng. Nhiều nông dân cho biết: dự kiến giá rau xanh thời gian tới vẫn tiếp tục đứng ở mức cao vì ít nhất phải một tháng nữa mới thu hoạch rộ lứa rau mới.

 

Thực tế khi rau xanh tăng giá, có rất nhiều nguyên nhân được nhắc đến như: do ảnh hưởng của mưa lụt, chuyển mùa, giá cả đầu vào: (công chăm sóc, giá phân bón)…. nhưng ít ai nghĩ rằng: một kilogam củ quả hay một bó rau xanh lấy từ ruộng của nông dân phải qua rất nhiều đầu mối trung gian. Và khi nông dân tăng giá một chút ít thì các tiểu thương thu gom cũng tăng giá theo, thậm chí tăng với tỷ lệ cao hơn, rồi đến các sạp hàng rau tại các chợ tăng giá tiếp, sau đó mới đến tay người tiêu dùng khiến giá đội lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

 

Theo tính toán của nhiều nông dân: nếu tính chi li mỗi bó rau, một kg củ quả… người trồng chỉ có lãi vài trăm đồng đã cao lắm rồi, lúc rộ mùa giá rẻ thậm chí còn lỗ nhưng với tiểu thương phân phối thì lúc nào họ cũng có lợi nhuận. Bà Trịnh Thị Thư, một nông dân trồng rau cũng ở Vũ Phúc cho biết: " Trước đợt mưa, 2 luống rau diếp của tôi dự kiến thu hoạch khoảng 40 kg nhưng bán gọn cho chủ buôn rau được 600 ngàn đồng, vậy mà họ đem lên Thành phố bán 35.000đ/kg. Sau mưa, nhiều hộ quanh đây phấn khởi vì còn một số diện tích rau cải và hành hoa sống sót, cứ bảo giá rau đắt nhưng thực tế bán tại ruộng cũng chỉ được 1.500đ/mớ rau cải, 10.000đ/kg hành hoa". 

 

Để minh chứng cho lời bà Thư nói, tôi có mặt tại chợ rau đầu mối cạnh chợ Bồ Xuyên lúc 5h sáng. Phần lớn người bán là thương lái thu gom rau của nông dân các xã Vũ Phúc, Trung An, Quỳnh Hải đem đến đây bán, nông dân trực tiếp đem rau đi bán cũng có nhưng rất ít. Nguồn rau, củ, quả khá dồi dào chứ không khan hiếm như những lời tiểu thương nói và giá đều bán buôn nên rẻ bất ngờ: rau muống, rau ngót, rau cải, mùng tơi khoảng 2.000đ/bó, bắp cải 8.000đ/kg, bí xanh 6.000 đ/kg, su su 5.000đ/kg…. Các loại tôm, cá, cua, thịt gà…. cũng rẻ hơn rất nhiều. Và rõ ràng, số tiền chênh lệch giữa giá rau ở chợ đầu mối này với giá rau người tiêu dùng phải mua đã nằm trọn trong tay chủ các sạp rau ngoài chợ. Người nông dân vất vả một nắng hai sương cuối cùng vẫn lam lũ, lợi nhuận chẳng được đáng là bao.

 

Ngỡ tưởng, giá rau tăng, người trồng rau được hưởng lợi nhiều nhất nhưng thực tế cho thấy người tiêu dùng và người trồng rau vẫn chịu thiệt thòi nhiều nhất. Nhiều hộ trồng rau biết sự chênh lệch giá lớn giữa bán tại ruộng và giá ra đến chợ nên cũng chọn cách mang thẳng hàng ra Thành phố bán. Nhưng ngặt một nỗi: nếu đi chợ đầu mối phải dậy từ 2 đến 3 giờ đêm, ban ngày không còn đủ sức ra đồng làm, nếu chọn cách bán rong tại các chợ  rất mất thời gian lại không có chỗ bán cố định, đi lòng vòng trên các tuyến phố lỡ vi phạm trật tự "tiền nộp phạt bằng cả tháng trồng rau" nên cuối cùng đành ngậm ngùi bán rẻ cho thương lái. Ai cũng cố bảo nhau: thôi cứ chịu khó làm, hy vọng mùa rau sau giá tăng sẽ khấm khá hơn chăng?

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa