Thứ 7, 16/11/2024, 12:06[GMT+7]

Người tiêu dùng xanh

Thứ 3, 22/11/2011 | 14:53:40
2,162 lượt xem
Mua sắm là một trong những thú vui của cuộc sống. Mua những thứ chúng ta mong muốn, thưởng thức những thực phẩm ngon lành. Tuy nhiên tiêu dùng quá mức cũng có những mặt trái làm chất lượng môi trường sống bị suy giảm.

Gian trưng bày sản phẩm của Công ty cổ phần Thuỷ sản thương mại Diêm Điền tại hội chợ nông nghiệp Quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ năm 2011 tại Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Với sự thận trọng và cam kết của người mua hàng, hoạt động tiêu dùng có thể là một động lực tạo nên điều tốt đẹp. Từ lâu, mối quan hệ “người tiêu dùng - nhà sản xuất” luôn gắn kết bền chặt và đã đến lúc người tiêu dùng đòi hỏi quyền lợi cho chính mình. Chúng ta có quyền và có thể yêu cầu nhà cung cấp bán sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường hoặc có quyền từ chối mua hàng của họ. Thông qua việc chỉ mua sắm thứ ta cần, được sản xuất ra theo cách chúng ta muốn, chúng ta có thể tạo ra một thế giới mà chúng ta muốn sống trong đó.

 

“Người tiêu dùng xanh” được hiểu là người tiêu dùng thân thiện với môi trường. Những người tiêu dùng này gần đây đã có ảnh hưởng nhiều  hơn đối với việc tạo ra những thay đổi trong vấn đề nhận thức về môi trường. Tuy nhiên, không dễ để trở thành một người tiêu dùng xanh. Muốn vậy, chúng ta phải thay đổi những thói quen tiêu dùng của mình đã hình thành từ rất lâu. Một người tiêu dùng xanh là người quan tâm đến môi trường và vì thế họ chỉ mua những sản phẩm thân thiện với môi trường. Sản phẩm có ít hoặc không có bao bì, sản phẩm được tạo ra từ những thành phần tự nhiên và những sản phẩm trong quá trình sản xuất không hoặc ít gây ô nhiễm môi trường đều là những ví dụ  về sản phẩm thân thiện với môi trường.

 

Người tiêu dùng xanh sẽ là những người lái loại xe sử dụng ít nhiên liệu và thải ít khói thải ra môi trường hơn. Người tiêu dùng xanh sẽ không mua những sản phẩm được tạo ra từ da, lông thú, thậm chí từ thịt của động vật hoang dã bị cấm săn bắt. Người tiêu dùng xanh cũng là người ủng hộ cho việc tái chế, tái sử dụng, tái sinh chất thải hoặc mua những sản phẩm sản xuất từ vật liệu tái chế được bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng.

 

Để trở thành người tiêu dùng xanh, người tiêu dùng cần tránh mua những gì không thực sự cần. Ăn thực phẩm được  nuôi trồng gần nơi mình sinh sống. Chiếu cố đến nhà kinh doanh tại địa phương. Cần hạn chế sử dụng động cơ đốt trong, máy nổ gây ô nhiễm. Bất cứ khi nào có thể, cần tránh mua thực phẩm có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có chất kích thích tăng trưởng. Sự lựa chọn tiêu dùng của chúng ta cần khuyến khích và hỗ trợ cho cách hành xử tích cực với môi trường. Sự lựa chọn của người tiêu dùng xanh là ủng hộ những quy định của chính quyền. Người tiêu dùng xanh cũng cần ủng hộ những sáng tạo, những hành động bảo vệ môi trường.

 

Tận hưởng những gì mình có - thứ mà nó chỉ thuộc về bạn và những thứ không thuộc về ai trong tất cả chúng ta. Cả hai đều tốt, nhưng cái sau quý giá hơn. Những thứ đó là cái mà chúng ta không sản xuất được và không bao giờ sở hữu. Nước, không khí, cây cối, muông thú... là những điều thú vị trong cuộc sống. Không có chúng, chúng ta - loài người không là gì cả.

Ngọc Hân

(Sưu tầm)

  • Từ khóa