Thứ 7, 16/11/2024, 10:47[GMT+7]

Hỗ trợ doanh nghiệp phải đi đôi kiềm chế lạm phát

Thứ 2, 28/05/2012 | 08:04:31
1,033 lượt xem
Ngày 27/5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 5 nhằm thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm, bàn các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2012. Ảnh: TTXVN

Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực

Theo đánh giá của Chính phủ, kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm có chuyển biến tích cực. Nổi bật là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh. Trong đó, CPI tháng 5 chỉ tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,78% so với cuối 2011. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 24,1% so với cùng kỳ; Hàng tồn kho đang có xu hướng giảm. Thị trường trong nước bắt đầu có chuyển biến với tốc độ tăng cao hơn so với các tháng đầu năm... Bên cạnh việc từng ngành, từng lĩnh vực đều có xu hướng phục hồi, điều quan trọng là điều hành nền kinh tế đã có sự chủ động, từng bước hạn chế tình trạng "lạm phát- kích cầu - lạm phát quay trở lại…".

Trước hết là trên lĩnh vực chi đầu tư công. Năm nay, chi cho lĩnh vực này ngoài 180.000 tỷ đồng vốn từ ngân sách, còn  có 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, các khoản vượt thu trích lại khoảng 9.000 tỷ đồng và một số khoản đầu tư tiết kiệm trong năm 2011 chuyển sang. Như vậy, tổng vốn đầu tư công khoảng 240.000 tỷ đồng (chưa kể nguồn của các địa phương). Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay số vốn này mới chỉ giải ngân được 66.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy vẫn còn dư địa khoảng 25.000 tỷ đồng/tháng cho đầu tư công mà không lo nguồn vốn này sẽ ảnh hưởng làm lạm phát tăng trở lại. Tuy nhiên, quan điểm điều hành chung của Chính phủ trong thời gian tới là đầu tư vào những ngành có khả năng hoàn thành, phát huy ngay hiệu quả kinh tế, xã hội, đặc biệt, gắn đầu tư với trợ giúp doanh nghiệp (DN).

Ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua còn có sự nhập cuộc tích cực từ phía các ngân hàng khi thanh khoản tiếp tục được cải thiện. Cùng với việc lãi suất liên tục giảm, tỷ giá ổn định, dữ trữ ngoài tệ tăng…VND có được lòng tin từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đà lạm phát được kiềm chế, "dòng tiền" trong ngân hàng đã được cải thiện. Tuy tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn âm nhưng đây cũng là dư địa cho phát triển những tháng cuối năm khi vẫn phải bảo đảm kiềm chế lạm phát. Điều quan trọng trong thời gian tới là chủ động sử dụng những dư địa này như thế nào. Bài toán tháo gỡ khó khăn gắn với tái cơ cấu DN trong thời gian tới được Chính phủ thống nhất sẽ triển khai đúng hướng, đúng địa chỉ, dành ưu tiên cho DN nào sử dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng tài nguyên hiệu quả… Chính phủ giao Bộ Tài chính thời gian tới có những hướng dẫn cụ thể hỗ trợ DN, đặc biệt trong việc giản, giảm, nợ thuế, trong đó có thuế thu nhập DN để tăng sức cạnh tranh cho DN và nền kinh tế.

Tăng tổng cầu nhưng vẫn bảo đảm kiềm chế lạm phát

Tại phiên họp, Chính phủ tiếp tục kiên trì với mục tiêu  đã đề ra trong năm 2012: Kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 7 - 8%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 6% và bảo đảm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt và có hiệu quả các giải pháp, chính sách đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ; Phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để từng bước hạ lãi suất tín dụng, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế, tạo sự lưu thông nhịp nhàng tiền - hàng trong nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp quyết liệt xử lý nợ xấu, trước hết là nợ xấu giữa các ngân hàng và có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ,… cho các DN, nhất là các DN có tiềm năng kinh doanh tốt nhưng đang khó khăn tạm thời nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh, phải đi đôi với giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo kinhtethudo.com

  • Từ khóa